Cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam, thì rất nhiều ông lớn trong ngành sản xuất, dịch vụ như Samsung, Panasonic, LG, Bosch, Marsk… đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ tại Việt Nam.
Đơn cử như, mới đây Samsung Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương khởi động dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 2 năm 2022 cho 12 doanh nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Hoạt động này nằm trong khung khổ Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh, được Samsung phối hợp với Bộ Công thương thực hiện, với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng nhà máy thông minh trong 2 năm 2022 – 2023.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương hiện Việt Nam mặc dù chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, đến nay khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, trong ngành dệt may da giày: 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; trong ngành cao su, nhựa, hoá chất, số doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước chiếm 52%, và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường; điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với ngành cơ khí, ô tô: 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
Về phía các doanh nghiệp FDI cũng đã có những thay đổi tích cực trong sử dụng nhà cung cấp khi chú ý hơn tới nguồn cung cấp từ các doanh nghiệp Việt. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020. Cùng với đó, doanh nghiệp FDI cũng đang giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Chỉ 26,8% doanh nghiệp FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba trong năm 2020, so với 39% năm 2016. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang chuyển hướng sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam.
Xu thế hiện nay cho thấy, ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chọn Việt Nam là điểm đến. Đó là lý do vì sao, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2016 – 2020, với tốc độ bình quân 23,8%/năm. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2022, con số ước tính đã lên tới gần 90 tỷ USD, chiếm hơn 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Nhưng phần lớn sự đóng góp này thuộc về các doanh nghiệp FDI. Điều quan trọng là phải làm sao để ngày càng có nhiều hơn nữa doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp này. Như vậy mới tối đa hóa được lợi ích của dòng vốn FDI”, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết.
Liên quan đến chuỗi cung ứng, ông Paul Weijers, Cố vấn cấp cao Dự án LinkSME khuyến nghị, để kết nối được với doanh nghiệp đầu cuối và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, các doanh nghiệp Việt phải đảm bảo một cách xuyên suốt, ổn định chất lượng sản phẩm, đồng thời làm sao để đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế.
“Vấn đề giá cũng cần được tính toán kỹ, nhiều khi chúng ta thường định giá hơi cao các sản phẩm của mình”, ông Paul Weijers nói.
Một cách rất rõ ràng, muốn nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất thiết phải xây dựng được nền tảng vững chắc của ngành công nghiệp, mà trước hết là công nghiệp hỗ trợ. Muốn vào được chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt này. Bởi vậy, không còn cách nào khác, cùng với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ, sự hỗ trợ, dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu chuỗi, bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Lúc ấy, cuộc chơi giữa các doanh nghiệp nội – ngoại mới thực sự “win-win”.
Hiện Bộ Công Thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh… ), các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (điển hình như Samsung) triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tú Anh