Với tính chất đặc thù, các tổ chức an sinh xã hội thường phải đáp ứng yêu cầu quyền lợi có nhiều người dân theo những quy định được luật hóa chặt chẽ.
Cơ chế “Một cửa” hay cao cấp hơn là “Một cửa” online sẽ góp phần rất lớn để nâng cao chất lượng phục vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Cơ chế “Một cửa” không phải là mới, thực tế đã được áp dụng tại nhiều quốc gia từ những năm trong thập niên 1990 và ngày càng phổ biến hơn. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, cơ chế “Một cửa” ngày càng được ứng dụng nhiều hơn.
Từ “Một cửa” đến “Một cửa” online
Hiệp hội an sinh xã hội Quốc tế (ISSA) cũng đưa ra khuyến nghị các tổ chức an sinh xã hội phát triển cơ chế “Một cửa”, và nhất là “Một cửa” online để nâng cao chất lượng dịch vụ một cách hiệu quả hơn.Thực tế, tại các quốc gia, nhiều tổ chức an sinh xã hội cũng đang xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế “Một cửa” online.
Tại Brazil, Viện an sinh xã hội Quốc gia của Brazil đã tiếp cận việc triển khai cơ chế này một cách tích cực. Cụ thể, INSS bảo đảm cung cấp dịch vụ từ xa, dựa trên công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ từ nhà riêng của họ, qua đó giúp tiếp cận dễ dàng hơn rất nhiều. Hiệu quả được thấy rõ; trong giai đoạn 2018-2019, 1,1 triệu lượt người được giải quyết hưởng chế độ một cách tự động; 35 triệu người đã được xác thực đăng ký tham gia và 18 triệu người tải xuống và dùng ứng dụng; số lượt truy cập tăng theo cấp số nhân, đạt 160 triệu vào năm 2019.
Tại Mexico, Viện an sinh xã hội Mexico đã phát triển dịch vụ “Một cửa” online phục vụ việc chi trả lương hưu. Kết quả là, từ tháng 8/2019 đến tháng 6/2020, 63% yêu cầu (tương đương khoảng 250.000 thủ tục) được xử lý thông qua cổng trực tuyến.
Chuyển đổi mạnh mẽ tại Việt Nam
Tại Việt Nam, BHXH Việt Nam cũng đang hướng đến những mục tiêu cụ thể trong việc thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Thế Mạnh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo Kế hoạch số 2402/KH-BHXH ngày 6/8/2021, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ trong công tác giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Đến năm 2025, BHXH Việt Nam phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể như 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở.
Linh Nga