Trước những yêu cầu phát triển mới, đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù khác so với một số Luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển và quản lý kinh tế- xã hội đối với Hà Nội.
Dù đồng đồng tình với việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, song một số đại biểu cho rằng không nên gọi là cơ chế đặc thù, dễ gây ra hiểu lầm theo hướng tạo “đặc quyền, đặc lợi”.
Bỏ “đặc thù”
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, địa phương nào cũng có đặc thù và điều kiện khác nhau, nên cơ chế chính sách được ban hành không phù hợp cho tất cả các địa phương. Do đó, cơ chế đặc thù là sự bổ khuyết, cho phép các địa phương có cơ chế để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên thời gian gần đây cũng có nhiều cơ chế đặc thù gây hiểu lầm theo hướng “đặc quyền, đặc lợi”. Bởi vậy, không nên dùng từ “đặc thù” trong Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
” Việc ban hành cơ chế đặc thù đối với Hà Nội nhằm tăng quyền tự chủ, tạo cơ hội để Thủ đô thể hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa với cả nước, chứ không tạo các đặc quyền, đặc lợi, cơ chế xin cho.
Một trong những nội dung được quan tâm nhất là việc giao HĐND TP.Hà Nội quyết định bổ sung danh mục, điều chỉnh mức thu phí. Đa số ý kiến tán thành với đề xuất mới này nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng việc xác định phí, lệ phí phụ thuộc vào phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả của người dân. Ở các thành phố lớn, khu đô thị hiện đại, thì phí cũng cao hơn, như phí dịch vụ an ninh, vệ sinh môi trường… tại Phú Mỹ Hưng, Ecopark cao hơn hẳn các khu đô thị khác…
Tăng tự chủ
Đối với các cơ chế khác mà Quốc hội đã thông qua cho TP. Hồ Chí Minh, thì Thành phố đang áp dụng tốt, như xin tự quyết điều chỉnh phí, lệ phí hoặc thêm phí mới chưa có trong Luật phí, lệ phí thì có thể tạo ra dịch vụ tốt hơn ở một số khu vực. Hay như cơ chế Hà Nội xin được hưởng 50% tiền sử dụng đất đối với việc chuyển tài sản trên đất, trong đó 70% dành trang trải di dời đầu tư xây dựng, thực hiện chuyển đổi, sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch tài sản đất đai ở nơi không hiệu quả.
Còn cơ chế cho phép Hà Nội được hưởng tiền thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thuộc các doanh nghiệp mà Thành phố quản lý, theo ông Hoàng Văn Cường, Luật Ngân sách cũng quy định nguồn thu về vốn từ các doanh nghiệp mà địa phương quản lý sẽ thuộc ngân sách địa phương. Do đó, cơ chế này là phù hợp, góp phần khuyến khích cổ phần hoá được giá trị nhiều hơn…
Việc ban hành cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội là để tăng quyền tự chủ, tạo cơ hội để Thủ đô thể hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa đối với cả nước, chứ không phải tạo ra các đặc quyền, đặc lợi, phát sinh cơ chế xin cho. Mục tiêu cuối cùng là người dân Thủ đô phải được thụ lợi. Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hoàn chỉnh Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Phan Nam