Đây là giải pháp tối ưu trong việc ngăn chặn tình trạng lách luật trốn thuế chuyển nhượng bất động sản đang diễn ra rất phổ biến hiện nay.
Khi chuyển nhượng bất động sản đầu tiên giữa cá nhân và cá nhân, các loại thuế phát sinh liên quan bao gồm thuế thu nhập cá nhân từ người bán (2%) và phí trước bạ (0,5%). Tuy nhiên, tình trạng lách luật trốn thuế hiện nay rất phổ biến dưới các hình thức sau:
Thứ nhất: Ký thêm hợp đồng với giá chuyển nhượng thấp hơn dùng cho mục đích công chứng và kê khai thuế. Đây là hình thức phổ biến nhất khi chỉ cần hạ giá chuyển nhượng ít nhất bằng với khung giá đất ban hành và đóng thuế trên khung giá đất này.
Thứ hai: Núp bóng chuyển nhượng cho người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng trước khi chuyển nhượng cho cá nhân nhận chuyển nhượng.
Thứ ba: Chuyển nhượng ba bên không thông qua công chứng. Đây là hình thức cá nhân A chuyển nhượng cho cá nhân B thông qua hợp đồng đặt cọc, sau đó cá nhân B chuyển nhượng tiếp cho C với mức giá cao hơn. Tuy nhiên, khi ra công chứng thì cá nhân A và cá nhân C sẽ trực tiếp ký kết.
Như vậy, Nhà nước sẽ thất thu một lần thuế chuyển nhượng đất. Đây là hình thức mua bán thường thấy nhất trong các đợt sốt đất thông qua mua bán giấy tay.
Để hạn chế tình trạng thất thoát thuế trong chuyển nhượng bất động sản cần kiên quyết không áp dụng giao dịch bằng tiền mặt mà bắt buộc phải giao dịch thông qua ngân hàng.
Để áp dụng được thì phải bổ sung theo các quy định liên quan như khi nộp hồ sơ nhà đất để thay đổi biến động, đặc biệt thay đổi chủ sở hữu thì người nộp phải xuất trình chứng từ giao dịch qua ngân hàng kèm theo các giấy tờ khác.
Nếu không có chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng thì không cho đăng ký thay đổi. Đồng thời có thể xem xét chỉnh sửa để bảng giá đất của nhà nước phải áp sát với mức bằng 90 – 95% giá thị trường thay vì chỉ bằng khoảng 30 – 40% giá thị trường như hiện nay.
Ngoài ra, việc bắt buộc phải giao dịch chuyển nhượng bất động sản thông qua ngân hàng còn thực hiện đúng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, phòng, chống tham nhũng.