Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1 để áp dụng. Các chuyên gia đã có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Lý do áp dụng phương án 5 bậc theo ông Nguyễn Anh Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), phương án này có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý, đảm bảo toàn bộ số hộ sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới. Vì vậy tác động khi áp dụng kịch bản này là nhỏ hơn so với kịch bản 2.
Đồng thời, mức chênh lệch giữa bậc thang cuối và bậc thang đầu là phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích các hộ có mức sử dụng điện lớn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Mức tác động đến các hộ có mức sử dụng trên 700 kWh giữa của kịch bản 1 so với kịch bản 2 là không lớn và các hộ sử dụng điện dưới 700 kWh có tiền điện phải trả theo kịch bản 1 là thấp hơn.
“Trong khi đó, nếu lựa chọn các phương án 1 bậc, 3 bậc hay 4 bậc thì chi phí sử dụng điện của khách hàng dùng dưới 300 kWh phải trả cao hơn. Điều này tạo gánh nặng cho phần lớn khách hàng sử dụng điện vì khoảng hơn 87% (tương ứng 21 triệu hộ) dùng dưới 300 kWh sẽ phải trả tiền điện cao hơn”, ông Tuấn cho biết.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng phương án 5 bậc là tối ưu hơn cả. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, phương án 5 bậc giúp phản ánh sát hơn chi phí dùng điện mà gây thiệt không lớn cho đại bộ phận người dùng.
Tương tự, ông Bùi Xuân Hồi, (bộ môn kinh tế năng lượng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đánh giá, phương án 5 bậc thang phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá hộ tiêu dùng sử dụng từ 101 – 200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay; phương án 5 bậc thang sản lượng tiêu thụ cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.
Phương án này không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, có mức giảm nhẹ. “Tuy nhiên, cần xác định chỉ tiêu biểu giá bán lẻ điện bình quân một cách rõ ràng hơn nhằm đảm bảo doanh thu ngành điện, đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các nhiệm vụ phát triển hệ thống điện khi lượng cầu vẫn tăng trưởng rất lớn như hiện nay là từ 10-12%”, ông Hồi nói.
Đồng quan điểm, ôngTrần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc gộp các bậc trong biểu giá điện với 5 bậc là hợp lý vì chênh lệch 2 bậc trong biểu giá 6 bậc cũ không quá nhiều. Đồng thời, việc lựa chọn phương án nhiều bậc, 5 bậc thay vì 3 hay 4 bậc cũng đảm bảo được ý đồ của biểu giá bậc thang, đó là dùng càng nhiều giá càng cao. “Nhưng cần phải cải tiến biểu giá bởi hiện nay, mức độ chênh lệch của bậc cao nhất và thấp nhất là chưa đủ mạnh để người sử dụng cảm nhận được “sức nóng” của dùng điện nhiều, từ đó có ý thức tiết kiệm”, ông Long đề xuất.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng cho biết, việc giảm biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc như đề xuất của Bộ Công thương sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Đây là việc thay đổi hợp lý vì với bậc thang mới thì đơn giá cho 1 kWh là 1.549 đồng, tương đương với mức giá cũ.
Đơn cử, một hộ dân dùng 50 kWh/tháng thì số tiền phải trả cho bậc thang cũ là 77.450 đồng, khi áp vào bậc thang mới giá tiền vẫn vậy. Thậm chí, số tiền điện đối với khách hàng dùng từ 51 – 100 kWh/tháng còn giảm đi khi áp vào bậc thang mới. Giảm từ 157.450 đồng xuống còn 154.900 đồng/hộ/tháng. “Đối với người dân dùng “kịch khung” 700 kWh/tháng, thì số tiền phải trả cũng sẽ giảm đi chứ không tăng. Riêng với người dân dùng từ 701 kWh/tháng trở lên, số tiền chênh lệch sẽ không quá cao, không ảnh hưởng nhiều. Với người dân có mức lương trung bình hoặc khá thì có thể chịu được”, ông Ngãi nói.
Trong các phương án Bộ Công Thương đưa ra, có phương án đồng giá. Đó là phương án một bậc, giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Với phương án 1 giá sẽ làm cho các hộ thu nhập thấp và trung bình phải trả tiền nhiều hơn so với hiện nay. Trong khi phương án này không có tác dụng khuyến khích các hộ có thu nhập cao sử dụng điện tiết kiệm hơn.
Các phương án 3 bậc và 4 bậc cũng đều có hàng triệu khách hàng phải chịu giá cao hơn. Do đó, Bộ Công Thương đã lựa chọn kịch bản 1 của phương án 5 khi chỉ có 0,46 triệu hộ (chiếm 1,8% tổng số hộ) dùng 701 số/tháng trở lên phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng. Còn lại là không tăng hoặc giảm tiền điện phải trả.