Thị trường BĐS miền Nam theo các chuyên gia, đã qua thời chỉ cần “đất lành là chim đậu”. Xu hướng đầu tư từ năm 2023 trở đi sẽ nhắm đến những khu vực BĐS mang lại giá trị thực tế, hiện hữu, những nơi “đất phải có thóc để chim ăn”.
Đầu Tư BĐS Miền Nam, Nơi Nào Có Sóng?
Chia sẻ về xu hướng đầu tư trên thị trường BĐS miền Nam trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận: “Lấy trung tâm là TP.HCM và bán kính xung quanh 100km, những nhà đầu tư BĐS hãy quên đi những nơi “đất lành chim đậu”, mà phải tìm tới những nơi “đất có thóc để chim ăn”.
Nhận định về vùng đất “có thóc” trong thời gian tới, ông Hiển cho rằng điều này phụ thuộc vào yếu tố thương mại dịch vụ. Theo đó, thị trường nhà đất TP.HCM và Biên Hòa và một phần nào đó là ở Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là điểm đến vô cùng hấp dẫn với giá trị thương mại cao.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý, vùng đất “có thóc” cho nhà đầu tư còn là những khu công nghiệp có quỹ đất sạch, chuyển đổi nhanh. Các khu công nghiệp lớn đang có xu hướng phát triển ở địa phương mà điều kiện hạ tầng tốt, giao thông thông thoáng và đặc biệt là có cảng biển. Vì vậy, những khu vực này sẽ là nơi thu hút đại bàng đáp cánh và nhà đầu tư chim sẻ cũng theo đó tìm tới nhiều hơn.
Nhà đầu tư có thể lưu tâm loại hình đất nền khu công nghiệp hay nhà phố thương mại, nhà ở cho chuyên gia tại các khu công nghiệp lớn đang triển khai ở thị trường vệ tinh gần TP.HCM
Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, hạ tầng luôn là một trong các yếu tố lớn thúc đẩy giá BĐS tăng giảm.
Thị trường BĐS miền Nam đang có rất nhiều dự án hạ tầng lớn triển khai, mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế và du lịch, trong đó có các dự án trọng điểm như Cảng biển Cái Mép, Sân bay Long Thành… Xét trong bán kính 60 km từ các dự án trọng điểm thì Đồng Nai, Phan Thiết và Bà Rịa – Vũng Tàu đang là thị trường hấp dẫn cho nhà đầu tư xem xét.
Ví dụ như tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vừa thông xe, nhu cầu tìm mua nhà đất tại đây tăng 30 – 40%. Việc di chuyển từ TP.HCM đến Bình Thuận chỉ mất 2,5 giờ lái xe khiến thị trường du lịch này cạnh tranh trực tiếp với Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng giúp thị trường du lịch Vũng Tàu và Hồ Tràm hưởng lợi lớn. “TP.HCM có 20 triệu dân, chỉ cần 1 người mỗi năm đi du lịch Vũng Tàu một lần, nguồn lợi từ khai thác du lịch, thương mại đã rất lớn mà chưa tính đến lượng du khách quốc tế hay các tỉnh lân cận”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Bến Lức – Long Thành sẽ giúp làm tăng sức cạnh tranh vốn đầu tư, thương mại cho Long An và các tỉnh miền Tây. Đây cũng là những thị trường mà nhà đầu tư BĐS có thể xem xét.
Hạ Tầng Tiếp Tục Là Lực Đẩy Cho BĐS
Ở góc độ phát triển BĐS, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills cho rằng, các dự án hạ tầng mang tính liên kết vùng và phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và tăng cường sự hợp tác kinh tế, xã hội, và phát triển bền vững trong một khu vực rộng lớn.
Trong thời gian qua, TP.HCM cùng một số địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phan Thiết… triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng. Điều này gián tiếp tạo động lực cho sự phát triển của toàn thị trường BĐS miền Nam.
Ngoài ra, sự mở rộng của các dự án hạ tầng còn đang giúp gia tăng quá trình hình thành các khu đô thị, khu dân cư vùng ven, giải quyết bài toán nhà ở và mật độ dân số đông đúc cho TP.HCM, tạo cơ hội cho thị trường BĐS lân cận phát triển.
“Người dân tại những dự án nhà ở nằm trên các trục đường hạ tầng lớn có thể dễ dàng di chuyển thông qua các công trình giao thông liên kết vùng, có được sự thuận tiện trong quá trình sinh sống, học tập mà không nhất thiết phải đổ về TP.HCM, nơi có mật độ dân số cao và giá nhà vượt khả năng chi trả, đặc biệt là nhóm người trẻ”, ông Khương nhận định.
Còn nhìn từ câu chuyện sản xuất, thương mại và logistics, nhờ dự án đường cao tốc, vành đai, việc vận chuyển hàng hóa liên vùng sẽ diễn ra thuận tiện hơn, từ đó thu hút các nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu về thuê mua BĐS khu công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh… và nhu cầu thuê văn phòng.
Bên cạnh đó, Sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển cho hai tuyến đường vành đai này. Sự kết hợp giữa các công trình giao thông sẽ rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, từ đó thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trong khu vực.
Sự tăng trưởng kinh tế vùng cũng được thúc đẩy nhờ cơ sở hạ tầng giao thông, từ đó giúp bức tranh của nền kinh tế nói chung và BĐS miền Nam nói riêng khởi sắc hơn thời gian tới.
Phương Uyên