Chuyển tới nội dung

Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu

Chuyển đổi xanh đang là xu thế tất yếu có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Tác động của chuyển đổi xanh

Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, ngày 24/11, đánh giá các tác động từ xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế xuất khẩu trong bối cảnh thực thi CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), TS. Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng, mục tiêu của CBAM là nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến vấn đề “rò rỉ carbon” của EU; giải quyết thách thức liên quan đến bất lợi trong khả năng cạnh tranh của một số ngành công nghiệp trong EU và đảm bảo mục tiêu phát thải ròng của EU không bị suy yếu.

Ở giai đoạn chuyển tiếp (từ tháng 10/2023-12/2025), 6 ngành hàng của Việt Nam sẽ chịu tác động từ CBAM, trong đó lớn nhất là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, theo thiết kế chính sách, giai đoạn triển khai (2026-2030) sẽ loại bỏ dần phân bổ miễn phí và từ năm 2034 sẽ vận hành đầy đủ. Về cơ bản một số ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi CBAM cả trong ngắn và dài hạn. Đáng nói, không chỉ EU mà các quốc gia khác như Mỹ, Canada… đã và sẽ áp dụng các quy định xanh trong xuất nhập khẩu.

Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, ngày 24/11.

Do vậy, để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị: Doanh nghiệp cần đa dạng hoá đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; tham gia vào các dự án Bù đắp carbon; đánh giá mức độ thâm dụng carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chuẩn xanh trong mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam – EU, bà Mira Nagy – Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhận định: Việt Nam và EU là đối tác thương mại lớn, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều tăng rõ rệt. Một số mặt hàng của Việt Nam đang chiếm ưu thế tại thị trường EU như dệt may, da giày, thiết bị điện tử…

Tuy nhiên, bà Mira Nagy cho hay, với Kế hoạch hành động phát triển nền kinh tế tuần hoàn của EU lần 2 (CEAP) nêu rõ danh sách đầy đủ các biện pháp đầy tham vọng dự kiến sẽ có tác động sâu rộng ở cấp độ toàn cầu và đối với các nước thứ ba ngoài EU, trong đó có xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, sẽ tác động đến quy trình sản xuất nguyên liệu và sơ chế, bao gồm quy trình sản xuất.

Bên cạnh đó, quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) có thể được áp dụng cho hầu hết mọi mặt hàng trên thị trường EU. Quy định này xây dựng dựa trên các chỉ thị thiết kế sinh thái và dán nhãn năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. “Bên cạnh thách thức nền công nghiệp Việt Nam có lợi thế tốt để hưởng lợi từ các yêu cầu về kinh tế tuần hoàn.Việt Nam có thể phát triển nhảy vọt để trở thành trung tâm sản xuất xanh toàn cầu”, bà Mira Nagy nhận định.

Để làm được điều này, bà Mira Nagy khuyển nghị, doanh nghiệp cần tham gia vào khóa đào tạo hành động khí hậu được thiết lập để giảm thiểu rủi ro môi trường tại công ty; liên hệ với bộ phận hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm (RBH) với tư cách là phòng “một cửa” về quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm áp dụng các công ty trong nước.

Từ kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thực hiện các hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn xanh, ông Clement Graf – Giám đốc toàn cầu, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (Sippo) cũng khuyến cáo: Việt Nam cần phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại; kết nối mạng lưới xúc tiến thương mại. Điều này rất quan trọng cho xúc tiến xuất khẩu xanh của Việt Nam trong tương lai. “Sippo tiếp tục làm ở Việt Nam cùng hợp tác với tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp xác định nhu cầu và xác định khoảng trống; giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động hữu hiệu”, ông Clement Graf thông tin.

Ông Clement Graf, Giám đốc toàn cầu, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thuỵ Sỹ (Sippo) phát biểu tại diễn đàn.

Tạo dựng văn hoá xanh trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng

Thép hiện là một trong các ngành đặt ra yêu cao về chuyển đổi xanh. Tại diễn đàn, ông Đinh Quốc Thái – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép khởi đầu từ quy mô nhỏ, đến năm 2015, quy mô sản xuất thép mở rộng và đạt kỷ lục hoạt động năm 2021. Sản lượng và chất lượng đang dần đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu đến trên 30 quốc gia. Tuy nhiên, hạn chế của ngành thép là cơ cấu sản phẩm chưa hoàn chỉnh, chưa có thép chế tạo, thép hợp kim độ bền cao; liên kết chuỗi cung ứng hạn chế; hạ tầng logistics thiếu.

Hiện nay, thép vẫn là vật liệu cơ bản của thế giới, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thép phát triển hạ tầng cơ sở tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu đã đặt ra các thách thức lớn đối với ngành thép. Trước đòi hỏi này, ngành thép đã đưa ra định hướng về công nghệ sản xuất, đó là cải tiến giảm các tiêu hao năng lượng, giảm bớt phát thải khí nhà kính đối với lò cao; đến năm 2035 các nhà máy lò cao sử dụng công nghệ mới và nghiên cứu áp dụng công nghệ CCS; đối với công nghệ lò điện, sau khi cải thiện đến năm 2025 sẽ đạt mức độ phát thải tối ưu; đến năm 2035 dần sử dụng năng lượng xanh như điện tái tạo.

Đối với dự án luyện kim mới, ông Đinh Quốc Thái thông tin, ngành thép sẽ cố gắng áp dụng công nghệ hydro, làm sao giảm chi phí, tối ưu hoá sản xuất. “Tuy nhiên, ngành thép cũng mong muốn các cơ quan chức năng, Bộ ngành tiếp tục chủ trì nghiên cứu công nghệ mới nhất như điện phân MOE để đưa công nghệ này vào quá trình sản xuất luyện kim; cũng như có các cơ chế tạo thuận lợi để cho ngành thép thực hiện chủ trương chuyển đổi xanh”- ông Thái nhấn mạnh.

Với 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành cơ khí đang gặp nhiều thách thức trước yêu cầu hội nhập và quá trình yêu cầu về chuyển đổi xanh. Đây là nhấn mạnh của ông Lê Văn An – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam. Theo ông Lê Văn An, cơ khí giữ vai trò là ngành nền tảng của nền kinh tế, cũng như hội nhập kinh tế thế giới. Theo đó, khi phát triển kinh tế xanh là tất yếu thì việc làm sao để doanh nghiệp cơ khí chuyển đổi xanh trong sản xuất đặt ra không ít thách thức. “Trước yêu cầu này, Hiệp hội luôn mong muốn đầu tiên là Chính phủ phải giữ lại thị trường cơ khí cho doanh nghiệp trong nước phát triển, để tránh tình trạng thua ngay trên sân nhà. Từ đó, tập trung hỗ trợ và từng bước để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh”- ông An nói.

Thông tin thêm về hành động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp cơ khí, ông Lê Văn An cho hay, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng như toàn ngành này đang không ngừng hướng tới công nghệ mới, tận dụng nguồn tài nguyên để thực hiện sản xuất xanh. Trong đó, ngành này luôn quan tâm đến sử dụng hồ thuỷ lợi để khai thác năng lượng với các mục tiêu đó là, đáp ứng tuyệt đối nhiệm vụ của công trình, không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình, không làm tăng ảnh hưởng môi trường và khai thác tiềm năng thuỷ lợi.

Ngành thép định hướng đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại nhằm thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi xanh.

Đến nay, trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng và ban hành lộ trình, kế hoạch hành động chuyển đổi xanh, tuần hoàn. Đề cập đến cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp và thương mại xanh của Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững; sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp; khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, tạo dựng văn hoá trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.

Mục tiêu đến năm 2030 đó là sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát thải tác động đến môi trường. Theo đó, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng, thách thức và tiềm năng để chuyển đổi xanh như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thuỷ sản; năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoá chất, quản lý chất thải, lĩnh vực hỗ trợ thực hiện kinh tế tuần hoàn…

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, vì thế Bộ Công Thương đã nhận thức rõ ba việc cần phải làm để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương thực hiện. Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền của sự cần thiết chuyển đổi xanh tới cộng đồng doanh nghiệp. Hai là, đề xuất kiến nghị các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiêp ngành hàng, địa phương để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của chuyển đổi xanh; hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh trong thương mại, công nghiệp, nhằm khuyến khích các ngành hàng chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các yêu cầu. Ba là, nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế chính sách về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương mà Chính phủ, các Bộ ngành đề ra.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới, hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn… cho các ngành sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bảo Thoa – Việt Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved