Chuyển đổi số được xem như là “phao cứu sinh”, xu hướng không thể đảo ngược để doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 được ví như cơn cuồng phong mà các doanh nghiệp Việt Nam như rừng cây đang kỳ phát triển. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được xem như là xu hướng không thể đảo ngược để doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch.
Theo cách hiểu phổ biến nhất, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Trên thực tế từ các doanh nghiệp cho thấy, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao…
Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Tuấn Quỳnh, Giám đốc CNTT của URC Việt Nam (tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Đông Nam Á và Đông Dương) cho biết, trong chiến lược chuyển đổi số của mình, để đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là sự an toàn dữ liệu của khách hàng và đối tác, URC Việt Nam đã quyết định chuyển đổi hệ thống mạng WAN ảo và hệ thống quản lý kênh phân phối (DMS) lên nền tảng đám mây Microsoft Azure.
Nhờ đó, toàn bộ quá trình vận hành trên nền tảng số của URC Việt Nam trở nên nhanh hơn và an toàn hơn. Không chỉ dừng ở đó, đầu năm 2021 khi đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp buộc phần lớn nhân viên phải làm việc từ xa, URC Việt Nam đã quyết định áp dụng thêm mô hình bảo mật Zero Trust cho toàn bộ hạ tầng điện toán đám mây của công ty.
Ông Hoàng Tuấn Quỳnh cho biết: “Cứ 5 năm chúng tôi lại cập nhật hệ thống một lần, nhưng lần này chúng tôi quyết định làm nhiều hơn thế. Chúng tôi đã đồng hành cùng Microsoft trong việc đưa mô hình Zero Trust vào hệ thống với sự phối hợp của 2 đối tác là DMSPro và NTT Global”.
Vì URC Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý cả URC Đông Dương, bao gồm Lào và Campuchia, nên phần đầu tiên của kế hoạch là chuyển mạng WAN tại chỗ sang mạng WAN ảo thông qua kết nối VPN để liên kết tài nguyên từ tất cả các địa điểm, bao gồm văn phòng và những nhân viên làm việc tại nhà.
Sau khi hoàn thành hệ thống cốt lõi, chúng tôi đã chuyển Hệ thống quản lý kênh phân phối (DMS) sang Trung tâm dữ liệu Azure ở Singapore. Hiệu suất và khả năng tương thích rất tuyệt vời và tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước đây.
Ông Quỳnh kể lại: “Toàn bộ dự án đã được hoàn thành qua hình thức trực tuyến, không ai trong chúng tôi gặp mặt trực tiếp. Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch để triển khai vào cuối tuần và trong giai đoạn thấp điểm để tránh bị gián đoạn. Thật may mắn rằng dự án đã diễn ra suôn sẻ”.
Qua đại dịch COVID-19, hầu hết tổ chức đều xác định chuyển đổi số là bắt buộc nhưng điều quan trọng là làm thế nào để triển khai thành công, làm sao chọn được một lộ trình, cách tiếp cận phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Sẽ không có một mô hình mẫu chung để thành công cho tất cả, do đó mỗi doanh nghiệp cần phải lựa chọn làm sao để thay đổi phù hợp cho từng công ty, làm sao tìm được đối tác có đủ năng lực, tin tưởng để cùng nhau “ngồi trên chiếc thuyền vươn ra biển lớn”.
Linh Nga