Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khi nói về các giải pháp phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.
Tại Diễn đàn Quốc gia Doanh nghiệp Công nghệ số lần III đang diễn ra, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, cuộc cách mạng 4.0 cùng xu hướng chuyển đổi số đã tác tạo ra tác động lớn tới ngành du lịch.
“Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển như “vũ bão” song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)… Điều này thể hiện rõ ràng qua các hoạt động dịch chuyển của du khách, từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch cụ đều thực hiện trên ứng dụng di động”, ông Phúc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, trong bối cảnh COVID-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội. Ngành du lịch trên toàn thế giới đã chịu tổng thiệt hại đến 2,4 nghìn tỷ USD.
Trước tình hình thế giới như vậy, ông Phúc cho biết du lịch Việt Nam cũng được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi số.
“Trước khi COVID-19 bùng phát, ngành đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 3-5 sao, hướng dẫn viên du lịch nội địa – quốc tế, lữ hành…. Đồng thời, xây dựng được nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp; cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở. Thứ ba là thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Và cuối cùng là hỗ trợ đổi mới sáng tạo”, ông Phúc nhấn mạnh.
Thông tin thêm tại Diễn đàn, ông Phúc cho biết đến nay, nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo… Đồng thời các doanh nghiệp đều đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo…
“Công tác chuyển đối số trong ngành du lịch cũng gặp một số khó khăn như chưa nhận thức đồng bộ; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan, đặc biệt là khách hàng và doanh nghiệp, thiếu nguồn lực; hạn chế về kiến thức, trình độ; đại dịch… Tuy nhiên, ngành cũng có một số thuận lợi như được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện phát triển; các địa phương phát triẻn ứng dụng du lịch; tốc độ tăng trưởng Internet nhanh chóng… Ngành du lịch cần nâng cao việc liên kết hợp tác, hướng tới xây dựng nền tảng của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự tham gia tích cực chủ động và sáng tạo của doanh nghiệp, điểm đến”, ông Phúc nói.
Từ đó, ông Phúc đưa ra một số giải pháp định hướng giúp chuyển đổi số du lịch thuận lợi hơn như: Tiếp tục xây dựng hệ sinh thái thông minh; kết nối cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp theo thời gian thực; đẩy mạnh công tác truyền thông và phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo.
Đỗ Huyền