Một phụ nữ không mua nước nên bị từ chối cho dùng nhà vệ sinh của quán cà phê

Câu chuyện vị khách bị từ chối đi nhờ nhà vệ sinh đang ồn ào trên mạng xã hội xảy ra tại một khu nhà giàu ở thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể theo đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, người này muốn dùng nhà vệ sinh của quán nhưng không muốn gọi nước. Vậy nên nhân viên từ chối yêu cầu của người phụ nữ. Sau đó người phụ nữ có hành vi lớn tiếng với nhân viên, thậm chí còn đòi gọi quản lý ra làm việc. Cuối cùng hai bên tạm thời giải quyết ổn thỏa.

Tình huống trong video nhanh chóng được đem ra mổ xẻ.

Một số ý kiến cho rằng quán cà phê không nên ki bo gì chút chuyện đó, thay vào đó nên hào phóng và rộng rãi để được tiếng thơm cho quán. Vì dù sao đi vệ sinh là nhu cầu cấp thiết của khách, còn quán thì nhìn chung không tổn thất gì nhiều.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cười chê và chỉ trích người phụ nữ. Theo phân tích từ một tài khoản TikTok chuyên về khởi nghiệp, khi mua một món đồ của quán, thì người đó mới trở thành khách hàng của quán, và khi đó mới có quyền sử dụng mọi dịch vụ trong quán. Ngoài ra, anh chỉ ra rằng nhà vệ sinh là một tài sản của quán, do đó quán hoàn toàn có quyền cho người ta dùng hay không dùng “tài sản” của họ.

Đồng thời thái độ của người phụ nữ cũng nhận về nhiều phản hồi tiêu cực, châm chọc. Một số bình luận khiến nhiều người đồng tình như “Không phải cứ giàu là sang” hoặc “Dù ở đâu cũng nên có thái độ tốt với nhân viên”. Nếu người phụ nữ bớt nóng giận, bình tĩnh xử lý khéo léo hơn một chút thì có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Vậy chủ quán, nhà hàng có nên cho người “không dùng dịch vụ” đi nhờ nhà vệ sinh hay không?

Vấn đề này tưởng chừng nhỏ nhặt, thế nhưng lại là bài toán khá đau đầu và tồn tại từ lâu đời đối với nhiều chủ quán nước, quán ăn. Thậm chí thương hiệu lớn như Starbucks cũng không nằm ngoài.

Mọi chuyện bắt đầu từ khoảng tháng 4 năm 2018. Khi đó quản lý của chi nhánh Philadelphia báo cảnh sát bắt giữ 2 người đàn ông da đen vì dùng nhà vệ sinh của quán nhưng không mua gì. Đây là hệ quả của những quy định mơ hồ của Starbucks về văn hóa xử lý khách hàng “không mua nhưng ở lỳ”. Tuy nhiên vì yếu tố sắc tộc, câu chuyện này nhanh chóng lan rộng.

Không rõ có phải sức ép từ vấn đề này không, mà ban quản trị Starbucks ra quyết định từ ngày 19/5/2018, bất kỳ ai vào không gian quán thì đều được xem là khách hàng, dù cho họ có mua nước hay không. Và quy định này được áp dụng cho hệ thống 8.000 quán ở Mỹ.

Tuy nhiên một nghiên cứu cho thấy quyết định biến cửa hàng thành nhà vệ sinh miễn phí khiến Starbucks “trả giá” khá lớn.

Dữ liệu chỉ ra rằng kể từ khi chính sách “mở cửa” được triển khai từ 5/2018, thì tổng số khách giảm 6,8% so với những quán cà phê gần đó. Cửa hàng Starbucks càng gần khu vực cư trú của người vô gia cư thì số lượng sụt giảm ngày càng nhiều.  Ngoài ra, chỉ số về độ giàu có của khách hàng ghé vào Starbucks cũng giảm, vì lượng khách “ruột” giàu có này nhạy cảm về sự đông đúc bởi những người chỉ muốn dùng ké nhà vệ sinh. Thời gian khách hàng dừng chân lại Starbucks cũng ít hơn 4,2% so với những quán lân cận.

Với tình hình không mấy khả quan này, đến tháng 6/2022, Starbucks tại Mỹ đang xem xét ngừng chính sách mở cửa nhà vệ sinh miễn phí cho tất cả mọi người. Lý do họ đưa ra là để ngăn chặn những mối đe dọa tiềm ẩn đến nhân viên và khách hàng.

Như vậy là

Từ câu chuyện của Starbucks, việc “đi vệ sinh tự do” có vẻ là, như thành ngữ hay thường nói, “thương người thì hại đến thân”. Kết quả có thể xấu đến mức một ông lớn như Starbucks cũng phải đau đầu.

Quân Bảo