Những con chuồn chuồn tre đủ màu sắc lắc lư theo từng lay động của lá, của gió. Một ký ức tuổi thơ vời vợi những ngày tháng rong chơi bên bờ ao, ruộng lúa. Trong hương vị mát lành thôn quê, những nghệ nhân làng Thạch Xá (xã Thạch Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đang tỉ mẩn gọt những thanh tre thô kệch biến thành những chú chuồn chuồn lấp lánh, mang đậm bản sắc thôn quê Đồng bằng Bắc bộ.
Bắt gặp ký ức tuổi thơ
Làng quê Thạch Xá nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía Tây. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre từ nhiều năm trước. Ban đầu, khi chuồn chuồn tre ra đời chỉ được biết đến như món đồ chơi ấu thơ cho con trẻ, hay là một món quà trong các lễ hội truyền thống. Trẻ con ham thích những sắc màu rực rỡ, sự độc đáo khi chúng có thể đứng trên tay hay trên cành cây.
Theo anh Nguyễn Văn Tái, một trong số những người đầu tiên làm thành công và mở rộng được hình ảnh chuồn chuồn tre Thạch Xá, nghề làm đồ chơi chuồn chuồn mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Ban đầu có hơn 10 hộ gia đình mở cơ sở sản xuất, nhưng gặp khó khăn về đầu ra nên nhiều người đã từ bỏ. Hiện trong làng chỉ còn khoảng 2-3 gia đình còn làm nghề này. “Người ta lúc đầu thấy trào lưu, thấy nghề mới cũng làm, sau thì bỏ gần hết. Cơ bản vì họ không yêu nghề, không say với nghề”, anh nói thêm.
Làm chuồn chuồn tre đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mẩn và hơn hết là sự khéo léo từ đôi bàn tay và sự sáng tạo của mỗi người thợ. Để làm ra những sản phẩm ưng ý người thợ phải kỹ lưỡng chọn tre nguyên liệu. Tiếp đó là các công đoạn cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ.
Phải qua 12 công đoạn để làm ra một chú chuồn chuồn hoàn chỉnh với sự tỉ mỉ và chính xác. Để có thể tạo ra sản phẩm đẹp, độc và lạ, những chú chuồn chuồn còn được quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân và cánh. Những họa tiết này đều do người thợ tự tay vẽ lên, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê.
Nghệ nhân Đỗ Văn Liên, người làm chuồn chuồn tre lâu năm tại xã Thạch Xá cho biết công đoạn sơn trang trí lên chuồn chuồn đòi hỏi những đôi bàn tay tỉ mỉ từng nét vẽ để đảm bảo độ cân đối, màu sắc hài hòa, bắt mắt. Hai cánh là nơi trang trí chủ đạo, dưới đôi bàn tay của người thợ nhiều chủ đề, họa tiết đã được sáng tạo ra để trang trí trên từng cánh chuồn. Vẽ chuồn chuồn tre đòi hỏi phải tinh mắt khéo tay, phải tập trung cao độ vì chỉ cần sai sót một chút là sản phẩm sẽ không thể hoàn thiện theo đúng ý.
Để làm được một con chuồn chuồn tre, người làm phải mất rất nhiều thời gian, công sức từ lên rừng đốn tre trúc, rồi đến chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Không những thế, người làm phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và có thể đứng bằng. Một ngày trung bình mỗi người làm được 200 con chuồn chuồn. Trừ chi phí đi thì mỗi gia đình 3 người làm như nhà anh Tái thu nhập khoảng 10 triệu/tháng.
Bay khắp năm châu
Không chỉ là món quà quê bình dị sau lũy tre làng, giờ đây chuồn chuồn tre Thạch Xá đã theo chân khách du lịch đi đến mọi miền và xuất ngoại. Để làm được điều này là nhờ công phu của những người thợ đã thổi hồn vào mỗi con chuồn để chúng trở nên sống động.
Nhìn bề ngoài, những tưởng chuồn chuồn tre chỉ là món đồ chơi nhỏ xinh đơn giản làm từ tre nứa nhưng đó là sự hội tụ của công sức người thợ với hàng chục năm đúc kết tinh hoa nghề. Chia sẻ về bí quyết để tạo dáng cho những con chuồn chuồn tre sống động như thật, anh Nguyễn Văn Tái cho biết: “Quan trọng nhất là khâu ghép cánh vào thân. Phải gắn chuồn chuồn sao cho chúng luôn giữ được thăng bằng bởi “nhất dáng nhì da”, “cái dáng là linh hồn của sản phẩm”. Muốn vậy, hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác để chuồn chuồn tự thăng bằng khi đậu trên đế hay trên ngón tay, sợi chỉ”.
Nguyên lý cân bằng, theo anh Tái, dựa trên 3 điểm là mỏ, cánh và đuôi. 3 điểm này phải bằng nhau, và trọng lượng của nó phải rơi vào giữa. Tâm được nối giữa ba điểm này của con chuồn chuồn phải tính toán làm sao để điểm đó nằm trên đúng cái mỏ của con chuồn chuồn. Điều này giúp con chuồn chuồn có thể đứng thăng bằng được ở mọi chất liệu.
Đây chính là bí quyết để chuồn chuồn tre Thạch Xá có mặt ở hầu khắp các điểm du lịch nổi tiếng tại các thành phố lớn trên cả nước như: Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, TP.Hồ Chí Minh… Không chỉ các du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam mua về làm quà lưu niệm, chuồn chuồn tre Thạch Xá còn nhận được các đơn đặt hàng từ Việt kiều ở các nước như: Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản…
Anh Tái cho biết: “Những năm trước, do chưa bị ảnh hưởng của Covid-19 nên du lịch phát triển, sản phẩm tiêu thụ rất tốt. Khách muốn mua chuồn chuồn tre ở làng này phải đặt từ tháng trước mới có hàng. Mỗi tháng nhà tôi xuất đi hàng vạn con các loại cho các tỉnh và nước ngoài”.
Những năm gần đây, gia đình anh Tái đã kết hợp với một số tổ chức xã hội như: Trung tâm Nghiên cứu và bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Có nhiều người ở nơi xa cũng tìm hiểu, tìm về làng Thạch Xá học làm nghề. Đây là một tín hiệu tốt để nghề thủ công truyền thống của Việt Nam ngày càng phát triển.
Thạch Thất là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Trên địa bàn huyện có khoảng 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được cấp bằng công nhận “Làng nghề truyền thống”. Nhiều làng nghề truyền thống đã sản xuất ra những sản phẩm tạo nên “thương hiệu” của Thạch Thất – xứ Đoài như: Chè lam Thạch Xá; chè kho Đại Đồng; mộc Chàng Sơn, Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu; mây tre giang đan Bình Phú; chuồn chuồn tre Thạch Xá; cơ kim khí Phùng Xá; điêu khắc đá ong ở Bình Yên… |
Bình Châu