Do tác động tiêu cực từ dịch cúm SARS-CoV-2, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua nhiều phiên giảm mạnh.
Tính tới hết phiên 25/2, vốn hóa của TTCK chỉ còn 4,1 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 400 nghìn tỷ đồng (14,7 tỷ USD) so với thời điểm trước khi nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý.
Trước đó trong phiên ngày 24/2, VN-Index giảm mạnh 29,75 điểm (-3,9%), đóng cửa tại 903,34 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình với khối lượng giao dịch đạt 291 triệu cổ phiếu, tương đương 5.126 tỷ đồng. Áp lực bán lan rộng khi có đến 330 mã giảm so với 42 mã tăng điểm.
Chưa dừng lại ở đó, đến phiên sáng 25/2, áp lực bán mạnh xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch. Những mã giảm điểm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index bao gồm: POW (-7,0%), VPB (-6,9%), TCB (-6,9%), SSI (-6,9%), ROS (-6,9%), CTD (-6,9%), BID (-6,5%), CTG (-5,6%), MBB (-5,2%), VRE (-4,4%), BVH (-4,3%), PLX (-4,2%), MSN (-3,6%), VIC (-2,4%)… Ở chiều hướng ngược lại, chỉ có DHG tăng 1,2%, VCF (+1,1%), EVE (+1,4%), PHR (+1,7%), CSM (+1,7%)…
Theo Công ty Chứng khoán ACBS, sở dĩ thị trường giảm mạnh do thông tin về dịch bệnh SARS-CoV-2 đang phủ bóng đen lên đời sống kinh tế- xã hội toàn cầu. Đặc biệt, dịch SARS-CoV-2 bùng phát ở Hàn Quốc và Italy, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế của 2 nước này vốn đã đình trệ từ đầu năm 2020. Điều này cho thấy dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng toàn cầu.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Nhà đầu tư trên sàn MBS cho biết, thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm sâu đầu tuần này. Độ rộng thị trường bị thu hẹp mạnh do đà bán diễn ra trên diện rộng. Lực cầu bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện, tuy vậy dòng tiền này chủ yếu chấp nhận giao dịch tại vùng giá thấp trong khi bên bán mất kiên nhẫn, hạ giá để sớm thoát khỏi trạng thái nắm giữ cổ phiếu. Điều này giúp thanh khoản có sự cải thiện nhưng tạo áp lực khiến hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30.
“Xu thế giảm mạnh của thị trường chứng khoán đang dần hình thành, các vùng hỗ trợ ngắn hạn của hai sàn liên tục bị phá vỡ do các tin tức về dịch bệnh cúm SARS-CoV-2 tiếp tục có chiều hướng tiêu cực hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng kém khả quan. Do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi bắt đáy cổ phiếu.
Theo bà Lê Hoàng Phương, chuyên viên phân tích của BVSC, khoảng trống (gap) đã xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 24/2 vừa qua với khối lượng giao dịch tăng đột biến cho thấy đây là một phiên bán tháo mạnh. Sự tồn tại của nến Marzubozu đỏ (bearish Marubozu) kết hợp với việc các chỉ báo xu hướng (MACD), dao động (RSI và Stochastics Oscillator) và dòng tiền (Chaikin Money Flow) đều duy trì xu hướng giảm và nằm dưới đường tín hiệu. Điều này cho thấy nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong ngắn hạn.
Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index tiếp tục chịu áp lực giảm điểm, vùng 890 điểm sẽ là vùng hỗ trợ gần nhất. Nếu VN-Index vẫn trụ vững trên vùng này, thì sẽ phục hồi trở lại và thách thức với vùng kháng cự 920-925 điểm. Tuy nhiên, nếu bị đẩy xuống dưới 890 điểm, VN-Index sẽ giảm mạnh về 860 điểm- đáy được hình thành vào tháng 1/2019.