Chốt phiên sáng nay, VN-Index giảm 1,06% xuống 826 điểm.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, phần lớn các chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh. Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm hơn 2.000 điểm, tương đương mức giảm 7,79%, xuống mức 23.851 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008- năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đó, các mã chứng khoán của các tập đoàn Boeing, Goldman Sachs và Caterillar giảm khoảng 100 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng giảm tới 7,6% xuống 2.746 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq cũng giảm 7,29% xuống 7.950 điểm.

Sở dĩ chứng khoán Mỹ giảm mạnh là do dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, lan rộng toàn cầu, trong đó Mỹ đã ghi nhận 554 ca nhiễm COVID-19, có nguy cơ tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất của nước này vốn đang trì trệ. Bên cạnh đó, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài khối không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với dịch COVID-19, cũng tác động tiêu cực đến các cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí Mỹ, như Exxon Mobil, Hess, Marathon Oil… Ngoài ra, việc FED bất ngờ cắt giảm tới 50 điểm lãi suất cơ bản cũng tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng Mỹ, trong đó  các cổ phiếu của JPMorgan, Citigroup, Bank Of America… giảm hơn 13%.

Trước sự bán tháo của các nhà đầu tư, cơ chế ngắt giao dịch chứng khoán tự động ở Mỹ đã được kích hoạt trong 15 phút. Theo cơ chế này, nếu chỉ số S&P 500 giảm 13%, thị trường sẽ ngừng giao dịch khoảng 15 phút, và nếu thị trường giảm 20%, giao dịch của toàn bộ ngày hôm đó sẽ bị ngừng lại.

Một chuyên gia chứng khoán, cho rằng sở dĩ chứng khoán Mỹ giảm mạnh là do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và bất đồng quan điểm ở OPEC+. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là do chứng khoán Mỹ đã tăng quá mạnh trong năm qua, trong đó các nhà đầu tư đã sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Khi thị trường sụt giảm mạnh, do các nhà đầu tư không đủ tiền nộp thêm ký quỹ, nên buộc phải đóng trạng thái giao dịch.

“Ở Việt Nam chưa có cơ chế tạm ngắt giao dịch, nhưng nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thấy cần thiết, vẫn có thể tạm ngắt giao dịch để tránh thị trường bị sụp”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Tại TTCK Châu Á, đà giảm đã chững lại trong phiên giao dịch hôm nay, trong đó chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,76% sau khi giảm tới 5,07%; chỉ số Topix cũng giảm 0,63%. Chỉ số S&P/ASX200 giảm nhẹ đầu phiên, nhưng sau đó phục hồi 1,5%. Trong khi đó, tại TTCK Trung Quốc, chỉ số Shenzhen giảm 0,36%; chỉ số Heng Seng tăng 0,7%…

Trong phiên giao dịch sáng nay trên TTCK Việt Nam, đà giảm cũng đã chững lại. VN-Index có thời điểm giảm xuống 805 điểm, nhưng ngay sau đó lực cầu bắt đáy xuất hiện, kéo chỉ số lên gần 830 điểm. Chốt phiên sáng nay, VN-Index giảm 1,06% xuống 826 điểm. Các cổ phiếu đảo chiều tăng trong phiên sáng nay có thể kể tới VNM, CTG, MSN, FPT, VPB…, trong khi các cổ phiếu còn lại giảm nhẹ, trừ các cổ phiếu GAS và PLX vẫn chịu tác động tiêu cực từ giá dầu…

Vị chuyên gia nói trên cho biết, trường hợp xấu nhất, VN-Index có thể giảm mạnh về 800 điểm, thậm chí 700- 750 điểm. Trong trường hợp đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ chịu tác động tiêu cực mạnh nhất. “Dù nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn, nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn. Cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng, nhưng giá cao, dễ bị chốt lời nếu thị trường tiếp tục xấu đi. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn mà tiếp tục bán tháo cổ phiếu. Các nhà đầu tư vẫn có thể xem xét bắt đáy những cổ phiếu đã giảm mạnh, nhưng có nền tảng tốt”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và nhận định trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ phục hồi trở về 850-860 điểm trong những phiên sắp tới.