Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, nên sẽ tiếp tục phân hóa mạnh.
Thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh sau 3 phiên tăng điểm với hiện tượng phân hóa rõ nét. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, thủy sản,… đồng loạt tăng điểm, làm trụ đỡ cho thị trường tránh bị giảm sâu.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức khá cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 3.772 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 470 tỷ đồng. Áp lực bán tập trung mạnh nhất vào các cổ phiếu ngân hàng, như VCB bị bán ròng 106,87 tỷ đồng và VPB (83,06 tỷ đồng).
Trên thực tế, khối ngoại bán ròng không phải vì họ bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam, mà đây là xu hướng thoái vốn nói chung ra khỏi các thị trường cận biên. Bởi ở thời điểm hiện nay, khả năng sinh lời và sự đa dạng hóa danh mục đầu tư ở thị trường cận biên đang kém hơn so với các thị trường phát triển, đặc biệt ở thị trường chứng khoán Mỹ. Hơn nữa, chi phí đầu tư vào các thị trường cận biên cũng lớn hơn.
Trong tuần trước, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, thì đến phiên hôm qua, dòng tiền lại dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa. Theo đó, nhóm midcap và nhóm smallcap đã tăng lần lượt 0,66% và 1,16%. Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên thị trường phiên 27/4 là: VCB (-3,05%), BID (-2,5%), VIC (-1,08%), GAS (-1,38%), VHM (-0,77%),…, trong khi những cổ phiếu tăng điểm tích cực có thể kể đến GVR (+6,93%), VPB (+2,44%), POW (+3,66%), KBC (+6,67%), PHR (+6,38%),…
Kết thúc phiên 27/4, VN-Index giảm 0,76% đóng cửa ở mức 770,77 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 0,74% xuống 719,66 điểm. Tuy chỉ số giảm nhưng hệ số tăng/giảm vẫn tích cực nhờ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng điểm. Toàn thị trường có 186 mã tăng/175 mã giảm, ở rổ VN30 có 4 mã tăng, 24 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu.
Theo MBS, thị trường đang ở giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, nên hiện tượng phân hóa là hoàn toàn bình thường. Theo đó, trong các phiên tăng, các cổ phiếu sẽ không tăng đồng loạt như trước đây nữa. Trong phiên 27/4, thị trường đóng cửa thấp nhất trong phiên nhưng vẫn cao hơn mức thấp nhất của ngày 21/4 (766,84 điểm), nên kịch bản tăng ngắn hạn vẫn được duy trì. Trong trường hợp VN-Index không giữ được mức này thì có thể quay lại ngưỡng hỗ trợ 750 điểm. Điểm tích cực lúc này là dòng tiền vẫn tiếp tục tăng lên, đây là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường trong quá trình đi lên vùng 800- 815 điểm.
Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia phân tích của BVSC, cho rằng VN-Index có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 760-796 điểm. Thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong thời gian tới. Thêm vào đó, chỉ số có thể có biến động mạnh, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 do các quỹ mô phỏng theo rổ VN30 sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục cho quý II.
“Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại, cùng với đó là biến động tiêu cực của giá dầu và các chỉ số chứng khoán thế giới. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng”, ông Bách nhận định và khuyến nghị, các nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài thị trường quan sát.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, ADX, Stochastic… tiếp tục cho thấy tín hiệu VN-Index điều chỉnh, tích lũy trong biên độ từ khoảng 750-800 điểm. Nếu không trụ vững trên 750 điểm, thì chỉ số này có thể về vùng 700 điểm.