Tỷ giá biến động nhanh

Những ngày gần đây, tỷ giá giao ngay có sự biến động mạnh. Cụ thể vào ngày 26/6 tỷ giá giao ngay trung bình là 25.530 VND/USD và đến ngày 5/7, con số này là 23.750 VND/USD. Như vậy chỉ sau gần 10 ngày, mức chênh lệch tỷ giá đã là 220 điểm.

Muốn nhìn rõ câu chuyện tỷ giá, chúng ta cần phải xem vấn đề về tín dụng.

Nếu là một nhà nhập khẩu với giá trị 1 triệu USD thì họ đã mất đi 220 triệu đồng lợi nhuận và nếu vay bằng USD, thì 220 điểm cũng tương ứng với 1% lợi nhuận. Với góc nhìn của tôi, đây là mức tăng khá nhanh.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu tỷ giá có tiếp tục tăng? Tuy nhiên, khi nhìn một vấn đề về kinh tế vĩ mô, chúng ta nên phân tích tại sao tỷ giá tăng hoặc tại sao không tăng. Như vậy, chúng ta cần nhìn vào các chỉ số bao gồm: Chỉ báo Dẫn dắt dự báo xu hướng của tỷ giá sắp tới như thế nào; Chỉ báo Đồng thời là khi tỷ giá đã thay đổi. Vì vậy vấn đề cần nhìn là từ chỉ báo dẫn dắt cho xu hướng liên quan đến lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ bơm hút dòng của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường liên ngân hàng; sau đó sẽ đến Chỉ báo Trễ, xác nhận về lạm phát, cán cân thương mại, hay các chỉ số chúng ta theo dõi có độ trễ so với thị trường.

Hiện tại, chúng ta cần xem lại các yếu tố vĩ mô trong đó có hai chỉ số xác nhận quan trọng đó là lạm phát và GDP.

Thứ nhất, chỉ số lạm phát tháng này so với tháng trước tăng; lạm phát của năm 2023 so với năm 2022 tăng trưởng thấp (2%); lạm phát trung bình từ đầu năm đang ở mức 3,29%, so với mục tiêu đề ra trong năm nay là 4,5% thì chúng ta có một biên an toàn khá lớn khoảng 1,2%. Các nhà phân tích cũng đều dự báo lạm phát năm nay sẽ có xu hướng giảm, do có nhiều yếu tố đặc biệt là yếu tố về giá xăng dầu, giá học phí không tăng…

Thứ hai, điểm rất quan trọng đó là GDP và các cấu phần chính trong đó. GDP của quý 2 là 4,14%, còn tổng của hai quý đầu năm là 3,72%, như vậy chúng ta còn cách khá xa mục tiêu. Khi nhìn các vấn đề về chính sách, thì xu hướng nới lỏng tiền tệ đang là xu hướng chủ đạo trong quý 3 và quý 4 này.

Sức bật của nền kinh tế trong các quý tới sẽ là một vấn đề nữa cần lưu ý. Chúng ta cần nhìn một cách thấu đáo rằng, hiện tại GDP của Việt Nam sẽ đến từ khu vực công nghiệp là chủ yếu và dịch vụ, trong khi tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay chỉ đạt 3,58%.

Tăng trường tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng. Ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Có thể thấy, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền, dùng tiền huy động từ người dân để cho vay, vì vậy họ sẽ gặp hai vấn đề: Một là, nếu chi phí vốn của ngân hàng bao gồm khoản tiền gửi của khách hàng vẫn cao, thì chắc chắn việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay để đẩy tín dụng ra thị trường là rất khó. Với lãi suất đầu vào kỳ hạn 6 tháng cao từ thời điểm tháng 11 thì đến nay mới có xu hướng hạ xuống.

Hai là, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại lớn sẽ còn kéo dài, cho nên lãi suất đầu vào phải giảm mới giúp lãi suất đầu ra giảm theo và tăng trưởng tín dụng tăng.

Như vậy đến hiện tại, những khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng mới đáo hạn thì các ngân hàng đang bắt đầu thừa thanh khoản, giúp lãi suất cho vay giảm từ  1-1,2%; nhưng tiền không đẩy được ra cho nhu cầu vay thực tế mà ứ đọng trên thị trường liên ngân hàng, tạo ra xu hướng mua USD, gây sức ép đến tỷ giá.

Gần đây, chúng ta mới thấy một số đầu ra của tín dụng bắt đầu rục rịch chảy, ví dụ như gói 120.000 tỷ đồng đã bắt đầu giải ngân. Tuy nhiên, cần thêm giải pháp để thúc đẩy tín dụng. Nếu năm 2022, chúng ta phải “phanh” tín dụng lại, thì năm nay lại rất muốn đẩy mạnh vì sức cầu của người dân suy yếu, doanh nghiệp không có đơn hàng và cuối cùng là các vấn đề về pháp lý.

Có thể nói, muốn nhìn rõ câu chuyện tỷ giá, chúng ta cần phải xem vấn đề về tín dụng.

Cần đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế

Trong giai đoạn này, việc bơm hút của Ngân hàng Nhà nước là vô cùng cần thiết. Theo tôi việc chúng ta cần làm là đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với đối tượng cần vốn, giải quyết dứt điểm triệt để các thủ tục hành chính để làm sao vốn có thể chảy đến khu vực đang rất cần tăng trưởng.

Riêng về nguồn vốn đang dư thừa trên thị trường liên ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 06, quy định rõ về việc nếu chúng ta không kiểm soát chặt thì nguồn vốn có thể chạy lòng vòng trong hệ thống.

Vì vậy, tỷ giá tăng hay không còn phụ thuộc vào hành động tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp để cân bằng lãi suất giữa hai thị trường, không để lãi suất của thị trường liên ngân hàng quá thấp và làm sao để số vốn của thị trường liên ngân hàng (bản chất vẫn là vốn ngắn hạn) có thể đẩy ra qua đường tín dụng, giúp chi phí vốn của các doanh nghiệp được hạ xuống.

Nếu trong trường hợp thị trường liên ngân hàng vẫn thừa, thì có thể tác động thông qua các hoạt động hút về qua đường tín phiếu, để không có sự chênh lệch lãi suất quá lớn ở thời điểm này. Ngoài ra tôi cũng kỳ vọng ở một mức giá mới thì Ngân hàng Nhà nước có thể mua thêm USD để tăng dự trữ ngoại hối.

Đến nay, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó là tỷ giá và lạm phát là đệm để chúng ta có thể tăng trưởng trong năm nay, nghĩa là không nhất thiết phải duy trì VND quá cao. Nếu tỷ giá tăng cũng không phải quá xấu cho nền kinh tế, tuy nhiên nó phải được kiểm soát.

Còn nếu nó tăng trưởng đều đặn trong năm nay, mà như tôi quan sát sau khi số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra về quý 2, thì Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nâng tỷ giá trung tâm lên. Đây là một hành động của nhà điều hành để cân bằng giữa các thị trường. Đặc biệt, nếu lãi suất cho vay với các doanh nghiệp nhanh chóng thấp như lãi suất liên ngân hàng thì sẽ tốt hơn cho nền kinh tế lúc này.

Phải khẳng định rằng những người điều hành chính sách tiền tệ đang rất linh hoạt vì đây là một bài toán nhiều biến số.

Vừa qua, như yêu cầu về định hướng chính sách của Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời và hiệu quả, phối hợp đồng bộ chặt chẽ hài hòa với chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả nhanh chóng, dứt khoát và cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá…

Những chỉ đạo mang tính rất phổ quát nên nhà điều hành chính sách tiền tệ đang phải cân rất nhiều biến số. Tôi đồng ý quan điểm rằng nếu tỷ giá có tăng ở một mức hợp lý để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có lợi thế hơn thì sẽ không có gì quá đáng lo ngại, vì một năm VND thường mất giá khoảng 2% mà đến nay mới mất giá khoảng 1%.

Tính đến ngày 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,58% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%).

– CEO AFA Capital