Dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 là hướng đi tất yếu. Vì vậy, để nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cần xây dựng lớp nông dân có trình độ cao, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đứng trước sự phát triển nhanh chóng và tác động của thời đại công nghệ 4.0, nông dân có những thuận lợi đan xen với khó khăn. Về thuận lợi, nông dân tiếp cận nhanh được những thành tựu mới về khoa học và công nghệ. Có thể nói hầu hết các hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm; kinh nghiệm sản xuất và các mô hình sản xuất có hiệu quả thì đều có thể nhanh chóng tìm thấy trên mạng internet.
Ứng dụng công nghệ sẽ tự động hóa các quy trình sản xuất; việc quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho các nhà phân phối, thương nhân và người tiêu dùng khi mua sản phẩm cho nông dân. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua các nền tảng mạnh xã hội như zalo, facebook cũng là một lợi thế giúp nông dân chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rất hiệu quả. Nhiều chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã hiện nay đã biết phát huy thế mạnh này để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Bên cạnh những thuận lợi trên, khó khăn đặt ra đối với người nông dân để tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp không nhỏ, như năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của nông dân còn hạn chế. Khảo sát của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong năm 2020 cho thấy, có đến 68,5% hộ nông dân không đọc thông tin trên mạng internet; 73,4% hộ nông dân thiếu kiến thức về internet; 58% hộ nông dân chưa nắm được hoặc nắm được rất ít những thông tin về thị trường. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đất đai manh mún hiện nay cũng là một trong những khó khăn, có thể nói đây là nút thắt cơ bản đối với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Để nông dân ứng dụng được công nghệ 4.0, góp phần từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, cần thực hiện tốt một số giải pháp. Trước hết, mỗi nông dân cần nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của chính mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; về tính tất yếu của việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Do vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền để nông dân thấy rằng dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 là hướng đi tất yếu trong tương lai. Mới đây, trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xác định, coi đây là giải pháp đột phá trong phát triển KT-XH nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân.
Cùng đó, phải tập trung xây dựng nguồn lực con người, xây dựng lớp những người nông dân có trình độ cao, có kiến thức về quản lý kinh tế, có kiến thức và nắm được những tín hiệu về thị trường và đặc biệt phải có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp của mình.
Để thực hiện giải pháp này có hiệu quả, cần đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề cho nông dân; trang bị kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân, đào tạo nên những “doanh nhân nông dân” làm đầu tàu về phát triển kinh tế và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần phải có những chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trong nông nghiệp. Suy cho đến cùng thì các chính sách của Nhà nước có tốt đến đâu thì vẫn cần phải có những người nông dân trực tiếp sản xuất có kiến thức, làm chủ được kỹ thuật và tâm huyết, tự tin, có khát vọng vươn lên mới thành công.
Đi đôi với giải pháp trên cần phát triển các doanh nghiệp, HTX, doanh nhân nông dân trên cơ sở các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, trang trại của nông dân. Thông qua đó giải quyết, khắc phục vấn đề đất đai manh mún, nhỏ lẻ; tập trung đất đai vào HTX, doanh nghiệp để tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thúc đẩy thực hiện chính sách khuyến khích các hộ thực sự không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất hiệu quả thấp chuyển nhượng hoặc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê lại để tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có không thể từ những thửa ruộng nhỏ, manh mún mà phải tích tụ, tập trung lại thành cánh đồng lớn.
Với tâm thế đón đầu và sự chuẩn bị tốt, nông dân sẽ tận dụng được những cơ hội từ cuộc Cách mạng 4.0 mang lại, cần xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam tự cường, sáng tạo trong giai đoạn mới, có kiến thức về khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm; góp phần xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Nguyễn Văn Thi