Sáng 5/10, tại trụ sở Thành ủy TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về kết quả triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố và Nghị quyết 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh…
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, về tình hình kinh tế-xã hội, kết quả quý III/2024 tiếp tục đà tăng trưởng của quý II, quý sau tích cực hơn quý trước nhưng chưa có đột phá. Phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ.
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 98, ông Phan Văn Mãi nêu rõ: Nghị quyết đã đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để TPHCM tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho thành phố Thủ Đức vận hành mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, TPHCM đã bố trí vốn đầu tư công và giải ngân 2.796 tỷ đồng (năm 2023) và 998 tỷ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Thành phố đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.
Về tài chính, ngân sách nhà nước, TPHCM đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách để chi thu nhập tăng thêm là 11.287 tỷ đồng.
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 57, Thành phố đã hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần với tổng mức đầu tư là 68.660 tỷ đồng; đảm bảo tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán theo kế hoạch.
Về bồi thường, giải phóng mặt bằng: Tổng thể dự án đạt khoảng 95% (575/603 ha), riêng đoạn qua TPHCM đạt 99,9%. Tiến độ khởi công, thi công các dự án thành phần cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Thành phố cũng kiến nghị một số đề xuất liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 98, dự án đường Vành đai 3…; các nội dung cần báo cáo Quốc hội trong thời gian tới, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, đề án đường sắt đô thị TPHCM và đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM
Báo cáo thêm về thu chi ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, đến thời điểm này, TPHCM đã thu đạt 77% dự toán. So với số thu và nhiệm vụ chi, Thành phố đảm bảo tình hình chi ngân sách đến nay.
Lý giải số thu ngân sách Nhà nước ở Hà Nội cao hơn TPHCM, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho rằng, có 2 nguồn chính ảnh hưởng đến số thu, trong đó, có nguồn thu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Việc triển khai đấu giá, giao đất thuận lợi nên nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng cao, đồng thời, tạo ra các khoản liên quan từ hoạt động kinh doanh bất động sản (trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng từ kinh doanh bất động sản); từ hoạt động xây dựng và sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, từ đó góp phần đưa số thu ở phố Hà Nội đạt yêu cầu dự toán.
Một nguyên nhân quan trọng khiến số thu ở TPHCM chưa đạt được kỳ vọng, đó là mức độ tổn thương sau dịch COVID-19 của các doanh nghiệp rất nặng nề và phục hồi chậm hơn so với Hà Nội cũng như các địa phương khác.
Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước, tỷ trọng GRDP của Thành phố chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm trên 27%.
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc và có nhiều chỉ đạo cụ thể với TPHCM về tình hình kinh tế-xã hội và định hướng phát triển của địa phương cũng như nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Hôm nay, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển về kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của TPHCM
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cách làm mới, quyết tâm mới của TPHCM; ghi nhận sự phát triển của Thành phố theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Trong 9 tháng qua, kinh tế-xã hội vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, song chưa đột phá. Theo đó, tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 6,8%; nếu muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý IV, Thành phố phải tăng trưởng trên 9%.
Đề cập đến vấn đề thu ngân sách, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nếu thu ngân sách của TPHCM đạt chỉ tiêu năm 2024 sẽ góp phần bảo đảm cân đối chi của cả nước. Điều này đòi hỏi quyết tâm lớn của Thành phố.
Về những vấn đề Thành phố cần quan tâm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tăng trưởng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ… Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho TPHCM theo phương châm “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 là “tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cách làm luật, nghị quyết. Theo đó, Quốc hội chỉ quyết định những vấn đề, phạm vi theo Hiến pháp, theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Quan điểm, tư tưởng mới hiện nay là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; Đảng lãnh đạo, Quốc hội ban hành cơ chế giám sát, Chính phủ triển khai thực hiện quyết liệt, quá trình vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; đồng ý điều chỉnh thời gian thực hiện các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Chủ tịch Quốc hội đề nghị TPHCM rà soát xem đã ban hành những văn bản gì để thực hiện các luật này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị TPHCM quan tâm đến năng lực cạnh tranh quốc tế; năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Thành phố, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, TPHCM phải “mổ xẻ” nguyên nhân 9 tháng qua mới đạt 20,2%, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó tính toán để giải ngân, xem hệ thống có quyết liệt, quyết tâm, quyết làm hay không.
Đánh giá cao 3 đề xuất của Thành phố về trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị, đường Vành đai 4, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đề nghị với Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng phối hợp khẩn trương, thường xuyên với Thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cơ bản ủng hộ định hướng, chủ trương của các đề án, Chủ tịch Quốc hội lưu ý hồ sơ phải đầy đủ theo quy định; làm rõ căn cứ pháp lý; đánh giá kỹ, đầy đủ tác động; thực hiện theo quy trình, thủ tục.
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ Thành phố, trước mắt là hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong năm 2024.
Theo TTXVN