Tờ Die Welt của Đức dẫn số liệu phân tích cho hay, Nga đã vượt qua Mỹ về nguồn cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, trong quý II, khí đốt Nga chiếm khoảng 17% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, đứng ngay trên nguồn cung cấp từ Mỹ. Châu Âu nhập 12,27 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong quý II, trong khi Nga cung cấp 12,73 tỷ m3 cho khối này.
Nguồn cung cấp của Nga bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng và khí đốt đường ống, chảy vào EU qua Belarus, Ukraine và qua đường ống dẫn khí TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) ở Biển Đen.
Lần gần đây nhất, Nga chiếm vị trí thứ 2 trên thị trường sau Na Uy là vào quý III/2022, sau khi bùng phát xung đột ở Ukraine. Thời điểm đó đường ống dẫn khí Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) vẫn đóng góp vào khối lượng cung cấp, nhưng hiện nay Nga đứng ở vị trí thứ 2 ngay cả khi không có Nord Stream.
Theo ông Dmitry Birichevsky, Giám đốc Bộ phận Hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga của các nước EU tiếp tục tăng.
“Mặc dù EU thông qua kế hoạch vào tháng 5/2022 nhằm giảm lượng nhập khẩu hydrocarbon từ Nga, số liệu thống kê thương mại của châu Âu cho thấy, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào các nước EU đang có xu hướng tăng. Trong nửa đầu năm 2024, sản lượng khí đốt tự nhiên của EU nhập từ Nga cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung, sản lượng khí đốt của Nga đang chiếm 15% tổng thị phần của EU”, ông Birichevsky cho hay.
Ông Birichevsky cho biết thêm, trong quý đầu của năm nay, Pháp tăng gấp đôi lượng mua LNG của Nga lên 4,4 tỷ m3, một phần đáng kể trong số đó đang được tái xuất khẩu.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nói, các quốc gia châu Âu thành “con tin của Mỹ” vì ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Washington.
“Châu Âu về cơ bản đã trở thành con tin của Mỹ. Ai là người hưởng lợi từ tình hình hiện tại? Chính là Mỹ. Mỹ hiện cung cấp LNG. Mỹ hiện là bên quyết định giá bán“, ông Antonov nói, đồng thời cho rằng châu Âu đang trong khủng hoảng.
Bên cạnh đó, Nga cũng tuyên bố giờ đây họ coi EU là “khách hàng không đáng tin cậy” vì châu Âu sẵn sàng để các mục tiêu chính trị của Mỹ lấn át các nhu cầu kinh tế của khối.
Trong thời gian qua, các nước châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt chảy qua đường ống Nga, trong đó có việc nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, giá LNG nhập khẩu từ nước ngoài đắt hơn rất nhiều so với khí đốt tự nhiên được cung cấp qua đường ống từ Nga theo các hợp đồng dài hạn.
Không chỉ mua LNG từ Mỹ, châu Âu cũng mua LNG từ Nga trong thời gian qua, vì mặt hàng này không bị trừng phạt. Điều này gây ra nghịch lý khi châu Âu giảm mua khí đốt Nga qua đường ống, nhưng lại tăng nhập khẩu LNG từ Moscow vào năm ngoái. Động thái này cũng khiến châu Âu rơi vào tình huống phải chấp nhận mua khí đốt với giá đắt để đáp ứng nhu cầu năng lượng.