Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những thay đổi khó lường và gần như hết hy vọng về chính sách Zero covid, sống chung với dịch bệnh trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia. Vì vậy, xây dựng chính sách tài khóa năm 2021 sẽ phải quan tâm đến một số vấn đề sau.

VU-SY-CNG-2

Ngày 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế- xã hội.

Thứ nhất, rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN. Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế các quốc gia trong đó có Việt Nam. Dự báo tăng trưởng kinh tế có khác nhau giữa các tổ chức song đều có điểm chung là nhận định: tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2021-2025 sẽ rất khó dự đoán vì phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống chọi với dịch bệnh.

Cụm từ “suy giảm”, “bấp bênh” vẫn được nhắc đến bởi nhiều nguyên nhân, dịch bệnh, rủi ro từ thương chiến Mỹ – Trung kéo dài . OECD và IMF đều dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng toàn cầu là chỉ tăng trưởng từ 4-5 % cho năm 2022.

IMF ước tính đại dịch đã làm giảm thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế phát triển 2,8% mỗi năm, tương ứng với xu hướng trước đại dịch giai đoạn 2020-2022, so với mức sụt giảm bình quân đầu người hàng năm ở mức 6,3% mỗi năm đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc).

Sự xuất hiện dịch viêm phổi cấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động thu – chi NSNN của Việt Nam. Vì vậy, chính sách tài khóa 2021-2025 sẽ cần phải điều chỉnh lại các nội dung cả thu và chi cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn và theo nguyên tắc lường thu mà chi, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp.

Việc lập dự toán ngân sách thận trọng là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song cần tránh quá cứng nhắc trong bối cảnh mới với nhiều yếu tố bất định.

Dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện dự toán chi tiêu từ NSNN vẫn luôn có nhiều thách thức nhất là với chi đầu tư.

Số liệu cho thấy việc lập dự toán và chấp hành dự toán đúng luôn là vấn đề chưa được giải quyết khi mà số ngân sách chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao (tỷ lệ này giảm đi đôi chút vào giai đoạn 2012-2014 và lại tăng cao trở lại vài năm gần đây). Khi mà ngân sách chuyển nguồn quá lớn lên tới gần 40 % tổng chi cân đối NSNN (2019) thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Thứ ba, bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của COVID-19. Vì vậy, Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Việc tiếp tục lập ngân sách theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế rất lớn khi đối phó với dịch bệnh; vì vậy, cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt với ngành y tế.

Dịch bệnh COVID-19 cũng đã có những tác động rất lớn đến cơ cấu kinh tế và lao động không chỉ năm 2021 mà cho cả giai đoạn 2021-2025. Hàng loạt vấn đề về đào tạo lại lao động, đảm bảo môi trường an toàn cho lao động di cư (nhà ở, trường học, bệnh viện) đặt ra những yêu cầu mới trong lập kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn.

Thứ tư, xem xét mở rộng các gói hỗ trợ chính sách tài khóa. Ngân hàng thế giới dự báo, COVID-19 sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam). Vì vậy, chính sách tài khóa dành cho xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau COVID-19 cũng cần phải được chú ý đặc biệt.

Do ảnh hưởng của COVID-19 cũng đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của người dân và rủi ro phá sản của doanh nghiệp. Vì vậy, để thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Để khuyến khích doanh nghiệp trong một số lĩnh vực tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất năm 2021-2022 có thể nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về trước hoặc chính sách cấp bù chi phí (doanh nghiệp bỏ chi phí thì nhà nước sẽ hỗ trợ tăng thêm bằng giảm trừ thuế TNDN phải nộp).

Nghiên cứu gần đây của Đinh Trường Hinh (2021) cho IMF về chính sách tài khóa hỗ trợ sau COVID-19 của Việt nam cho rằng chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt nam còn quá ít và quá thận trọng. Nghiên cứu này cho rằng, Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ từ 0,2 lên đến 3 % GDP (tương đương 260 k tỷ đồng) mà không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

VU-SY-CNG-1

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài Chính.

Thứ năm, điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi cho y tế trong NSNN. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có mức độ chi tiêu cho y tế khá so với các quốc gia cùng thu nhập tuy nhiên, cũng cần xem xét việc tiếp tục tăng chi tiêu cho y tế khi mà dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu và không thể biến mất hoàn toàn.

Cơ cấu chi cho y tế cũng là điều cần xem xét, việc tập trung quá nhiều nguồn lực vào y tế dự phòng (xét nghiệm và các hoạt động cách ly, truy vết không còn hiệu quả với chủng Delta) trong khi chi cho hoạt động khám chữa bệnh lại không đủ cũng là lý do của khủng hoảng y tế ở TP. HCMvừa qua.

Vì vậy, cần bố trí đủ nguồn lực cho mua vaccine không chỉ năm 2021 mà cả giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tăng chi phí cho điều trị bệnh nhân COVID-19. Điều này cũng đặt ra những vấn đề cho chính sách tự chủ tài chính ở các bệnh viện công hiện nay.

Thứ sáu, vấn đề huy động nguồn ngân sách. Dịch bệnh gây khó khăn cho thu NSNN năm 2021 và cả năm 2022 song nhu cầu chi tiêu rất lớn để hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung (người sản xuất) và cầu (người tiêu dùng).

Để huy động nguồn có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối (nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có nhiều thuận lợi như giai đoạn vừa qua).

Xem xét điều chỉnh tỷ lệ bội chi cao hơn cho năm 2022 và tận dụng cơ hội lãi suất thấp để vay và tái cơ cấu lại nợ công. Chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội.

Trong trung hạn từ 2022-2025 khi kinh tế trong nước và quốc tế hồi phục, lãi suất huy động có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng lên để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh.

Trong trung và dài hạn chính sách tài khóa cần xem xét lại phân cấp chi giữa trung ương và địa phương. Việt Nam là một quốc gia đơn nhất và về nguyên tắc thì NSNN được quản lý thống nhất. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có chính sách với thu là tương đối thống nhất. Với chính sách về chi tiêu, Việt Nam là quốc gia có mức độ phân cấp rất lớn trong chi tiêu ngân sách.

Việc phân cấp mạnh mẽ có những ưu điểm song cũng có những hạn chế nhất định, đặc biệt là các vấn đề liên vùng. Nếu không có cơ chế về tài chính và ngân sách cho việc thực hiện các dự án liên vùng thì Việt nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội mang tính liên tỉnh.

Những thách thức đặt ra khi giải quyết dịch bệnh COVID-19 và hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường càng cho thấy cần phải thiết kế lại cơ chế phân cấp ngân sách như hiện nay.

Thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn.

Năm 2022 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Dịch bệnh COVID-19 là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được như triết lý mà Bác Hồ đã từng viết: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

, Học Viện Tài Chính