Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị mới về giãn cách xã hội với giải pháp chi tiết tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài. Do đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.
Đồng thời, về thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội sẽ kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Đề xuất ban hành Chỉ thị mới về giãn cách xã hội chi tiết hơn
Qua phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đánh giá các nguy cơ rủi ro, Ban chỉ đạo khẳng định, thời gian qua, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn.
“Nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”, các ý kiến thống nhất.
Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19.
Thực tế triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, thời gian đầu chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn… Ban chỉ đạo nhận định, việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm “sức khoẻ là trên hết”, “còn người còn của”, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.
Do đó, trước hết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15/4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ban Chỉ đạo đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.
Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh. Đặc biệt, giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để “chặn đến cùng” tất cả các ca xâm nhập. Chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh, giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc).
Triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung. Kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người như cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,.
Đề xuất thêm ít nhất một tuần giãn cách xã hội
Trong khi đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội sáng nay (13/4), PGS. TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương – Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội dập ổ dịch thôn Hạ Lôi cho rằng, phải kéo dài hơn nữa thời gian cách ly xa hội để bảo vệ thành quả hiện nay, chứ không chỉ dừng lại vào ngày 15/4 tới.
“Nếu được hỏi, tôi sẽ nói rằng, cần thêm ít nhất một tuần nữa thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng cũng phải làm quyết liệt, bởi kéo dài mà không quyết liệt thì bằng thừa. Cách ly xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt toàn thành phố”, PGS. TS. Trần Như Dương nói thêm.
Bởi PGS. TS. Trần Như Dương, biện pháp cách ly xã hội là vô cùng quan trọng trong thời điểm này.
“Chúng ta xác định dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Nên cách ly xã hội chính là biện pháp không để dịch bệnh lây lan. Trong trường hợp dịch bệnh có lây thì chỉ ở một điểm, không có khả năng lây lan ra khu vực khác”, PGS TS Trần Như Dương nói.
Đặc biệt, PGS. TS. Trần Như Dương đề nghị TP Hà Nội phải làm quyết liệt hơn nữa biện pháp cách ly xã hội.
“Tôi thấy thời gian đầu thực hiện cách ly xã hội khá tốt. Nhưng bây giờ ra đường bắt đầu đông rồi, thậm chí chật cả đường. Như vậy, chúng ta phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, thậm chí phải có chế tài mạnh hơn”, ông Dương nói.
Việt Nam hiện ghi nhận 262 ca nhiễm COVID-19, tình hình diễn biến phực tạp và các ca lây nhiễm cộng đồng đang đặt ra đòi hỏi việc quyết liệt thực thi giãn cách xã hội.