Tròn 45 năm (30/4/1975-30/4/2020) đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhưng nhiệm vụ giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh mới.
Vậy dựa vào đâu để Việt Nam vừa bang giao, hội nhập, phát triển, vừa bảo đảm toàn vẹn, chủ quyền lãnh thổ, tránh tối đa các cuộc “xâm chiếm mềm” vào nội bộ?
Một Việt Nam mới mẻ
Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, không ai có thể phủ nhận vị thế và vai trò của Việt Nam trên “bàn cờ” quốc tế, nhất là khi Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN…
Bằng sự hấp dẫn và thiện chí của mình, Việt Nam đã trở thành “điểm đến hòa bình” – là chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những “cứ điểm” chống dịch COVID-19 tốt nhất thế giới. Đó là chất liệu quan trọng để chúng ta bước ra thế giới, khẳng định mình trong sân chơi toàn cầu.
Vài thập kỷ trở lại đây, sự phổ biến của Internet đã lôi kéo tất cả vào trạng thái “toàn cầu hóa”. Không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù thuộc hệ thống kinh tế xã hội nào, có thể tồn tại và phát triển mà không chịu sự tác động đó.
Phương Tây sau vài trăm năm đóng vai trò lãnh đạo thế giới, nay bộc lộ nhiều yếu điểm mang tính hệ thống. Họ có xu hướng “xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương” làm thay đổi cục diện “địa chính trị – kinh tế”, nảy sinh các cuộc cạnh tranh gay gắt, một số các nước nhỏ bị “mắc kẹt” giữa lằn ranh “bên này – bên kia”.
Sự hình thành “nền kinh tế toàn cầu” buộc các quốc gia bắt tay hợp tác, cạnh tranh song trùng, khái niệm “bạn – thù” dường như đã biến hóa, khó xác định hơn. Lịch sử đã chứng minh có những thực thể từng là “bạn thân”, nay trở thành “mối đe dọa” và ngược lại.
“Nước cờ” nào cho Việt Nam?
Alfred Thayer Mahan, một sĩ quan và là nhà sử học người Mỹ định vị vị thế địa chính trị của quốc gia, bao gồm: Vị trí địa lý và vùng mở ra hướng biển, cấu hình của bờ biển và số lượng hải cảng mà sự phát triển thịnh vượng thương mại và chiến lược an ninh quốc gia phụ thuộc vào.
Trong thế kỷ XXI, Việt Nam có thêm “tài nguyên mới”, đó là “vị thế địa chính trị quốc gia” – là vị trí và vai trò của quốc gia trong hệ thống địa chính trị các nước khu vực cũng như hệ thống địa chính trị toàn cầu. Thành tựu kinh tế đạt được, nhiệm vụ lãnh đạo các tổ chức quốc tế và kết quả chống dịch COVID-19 đã bổ sung thêm vị thế, vai trò cho Việt Nam.
Lý thuyết Alfred Thayer Mahan đã đúng ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ. Rất trùng hợp, từ cổ chí kim không một quốc gia nào trở nên hùng cường mà thiếu các đặc điểm như Mahan khái lược.
Nhìn sơ bộ, Việt Nam có đủ các yếu tố “địa chính trị quốc gia” và xem đó là “nội lực” để tự cường, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Vấn đề còn lại là chúng ta khai thác lợi thế này như thế nào?.
Cố nhiên, khai thác lợi thế đó – ngày nay không thể tách biệt với thế giới, tức là phải cần “ngoại lực”. Nói cách khác, chúng ta xây cảng biển lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa nếu như những con tàu lớn nhất thế giới không cập bến. Khu trục hạm USSTheodore Roosevelt (Mỹ) ghé thăm Đà Nẵng – đó là “sức mạnh mềm”, hãy tận dụng nó!.
Áp dụng nguyên tắc “lịch sử cụ thể” trong ngoại giao để nhìn rõ hơn đâu là bạn, đâu là thù, đâu là cơ, đâu là nguy? Để giữ vững chủ quyền, độc lập không thể dựa vào bất cứ ai – mà phải là tự lực cánh sinh; kinh tế giàu, quân sự sẽ mạnh, kết hợp với nghệ thuật ngoại giao sẽ tạo ra sức mạnh “phi vật chất”.
Vũ khí của sự phê phán không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng.