Chuyển tới nội dung

Cho dê nghe nhạc, lấy sữa làm giàu

Từ trước đến nay, người tiêu dùng đã rất quen thuộc với các loại sữa bò các dạng hoặc các loại sữa chế biến từ ngũ cốc. 2 năm trở lại đây, trên thị trường TP. Hồ Chí Minh (HCM) và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện một loại sữa được chế biến từ sữa dê có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ nhân của sản phẩm mới này là anh Nguyễn Văn Đua, 42 tuổi, ngụ xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).

Anh Nguyễn Văn Đua bên trang trại dê của mình.

 

Mô hình lạ đầu tiên đạt chuẩn OCOP của tỉnh Hậu Giang

Anh Nguyễn Văn Đua là chủ nhân của trang trại nuôi dê khá bề thế, khang trang, sạch đẹp với hơn 250 con dê có trọng lượng từ 40kg trở lên. Anh Đua kể, ban đầu anh khởi nghiệp từ nghề nuôi nhím rồi chuyển sang nuôi bồ câu nhưng đầu ra sản phẩm không ổn định nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Từ đó anh chuyển sang phương án nuôi dê thương phẩm nhưng cũng đã gặp nhiều thất bại bởi nguồn giống chất lượng thấp, dê tăng trưởng chậm, đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định. Đến năm 2017 anh chuyển sang đầu tư mô hình nuôi dê lấy sữa.

Anh Đua cho biết: “Qua nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, mạng internet… tôi được biết sữa dê có rất nhiều chất dinh dưỡng, cơ thể con người lại dễ hấp thu hơn và giúp bộ não phát triển rất tốt, nhất là giúp trẻ em phát triển trí lực, thể lực và chiều cao nên tôi thử đầu tư vào mô hình tương đối mới này. Ban đầu công việc này không dễ dàng bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như chất lượng con giống, môi trường sống, thức ăn, chuồng trại, chế độ chăm sóc, phương pháp lấy sữa dê, hệ thống lắng lọc, cách bảo quản sữa…”.

Qua 2 năm thất bại, anh Đua đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và áp dụng vào chăn nuôi dê và đã thành công. Hiện sản phẩm bán ra luôn hút hàng, người tiêu dùng đã bắt đầu lựa chọn sữa dê sạch nên anh Đua bước đầu có lợi nhuận khá. Cùng với đó, nuôi dê lấy sữa dễ thực hiện, ít tốn công, lợi nhuận cao nên hoàn toàn có khả năng trở thành gia súc giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Đầu tiên anh đầu tư 7.000m2 đất để trồng cỏ cao sản làm nguồn thức ăn quanh năm cho trang trại của mình. Cùng với đó anh ra tận Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Sơn Tây, Hà Nội) để tìm mua 12 con dê giống chất lượng cao để gây đàn cho mình. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn dê ban đầu đã phát triển nhanh chóng, đến nay anh đã có 110 con dê cái, bình quân mỗi con cho từ 2 đến 3 lít sữa/ngày.

Công nhân đóng chai sản phẩm từ sữa dê.

 

Sau từ 18 – 24 tháng, mỗi con dê đạt trọng lượng từ 40 – 50kg, sau 1 năm nuôi là có thể cho dê cái thụ thai. Bình quân mỗi con dê cái sẽ cho sữa liên tục từ 6 đến 8 tháng. Tuy nhiên sữa dê vào thời gian về sau càng kém chất lượng nên anh Đua chỉ lấy sữa trong thời gian 6 tháng. Tuỳ thuộc vào số lượng dê cái đang trong thời gian cho sữa tốt nhất, hiện nay bình quân mỗi ngày anh Đua thu hoạch từ 50 – 100 lít sữa dê chưa thanh trùng. Với giá bán 50.000 đồng/lít, mỗi ngày anh thu về từ 2,5 – 5 triệu đồng, mỗi tháng anh có thu nhập trên 100 triệu đồng. Đó là chưa kể đến thu nhập từ nguồn dê đực thương phẩm đã mang lại cho anh mỗi tháng thêm vài chục triệu đồng.

Từ năm 2017, trước nhu cầu của thị trường, anh Nguyễn Văn Đua đã đầu tư lắp máy thanh trùng tại nhà và bắt đầu sản xuất sữa dê thanh trùng với giá bán xấp xỉ 80.000 đồng/lít. Hiện sữa dê thanh trùng của anh Đua mang nhãn hiệu cơ sở Ngọc Đào đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang cấp Giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Huỳnh, ngụ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ nhận xét: “Gia đình tôi rất ưa chuộng mặt hàng này từ cơ sở sản xuất Ngọc Đào vì chất lượng thơm ngon, giá cả phải chăng lại đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.

Năm 2019, cơ sở của anh Đua chế biến thêm 3 mặt hàng mới là: Phô mai dê, sữa dê sấy khô, sữa chua dê, nâng tổng số sản phẩm tại cơ sở anh là 4 mặt hàng (trước đó là sữa chưa thanh trùng). Điều rất phấn khởi là cả 4 mặt hàng trên vừa được các ngành chuyên môn tỉnh Hậu Giang công nhận đạt chuẩn OCOP của tỉnh năm 2020.

Mở hướng thoát nghèo tại địa phương

Anh Đua chia sẻ cách chăm sóc: “Dê là động vật nhai lại và ăn được rất nhiều loại cỏ, lá cây và các phụ phẩm từ nông nghiệp như cây ngô, rơm, cây chuối, cám gạo…, vì vậy mình phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn tươi quanh năm. Khu vực nuôi phải xa khu dân cư, chuồng nuôi phải cao ráo, thoáng mát, có hệ thống phun sương để dê không nóng bức trong mùa nắng nóng; cần trang bị hệ xử lý nguồn chất thải của dê mỗi ngày. …”. Anh Đua còn bật mí bí quyết cho toàn bộ trang trại nuôi dê của mình nghe nhạc mỗi ngày để chúng nhanh lớn, sữa nhiều, khỏe mạnh.

Trang trại với 110 con dê cái, bình quân mỗi con cho từ 2-3 lít sữa/ngày.

 

Thời gian qua đã có hàng chục hộ dân quanh vùng đến liên hệ mua con giống của anh Đua về nuôi và được anh hỗ trợ nhiệt tình, đối với các hộ khó khăn anh bán “chịu” con giống không tính lãi và hướng dẫn chăn nuôi theo phương thức cầm tay chỉ việc. Có nhiều hộ mua dê của anh về nuôi lấy sữa đã có thành công bước đầu, lợi nhuận từ bán sữa được họ thanh toán tiền mua giống cho anh.

Riêng diện tích trồng cỏ chất lượng cao làm thức ăn chủ lực cho trang trại dê được anh trồng rất bài bản nên phát triển xanh tốt từ 7 công đất ban đầu nay đã lên đến 18 công. Trang trại nuôi dê của anh Đua còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 7 lao động với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/tháng, chủ yếu là những phụ nữ tại địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.

“Tôi đang xây dựng khu trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước có thể vừa tham quan trang trại, vừa có thể thực hiện các công đoạn cho dê ăn, lấy sữa, đóng chai, thanh trùng để mọi người có dịp tiếp cận với những chú dê ngộ nghĩnh, dễ thương và sử dụng sản phẩm sữa dê tại chỗ. Nuôi dê lấy sữa đang mở ra tiềm năng thoát nghèo cho nhiều hộ nên tôi sẵn sàng chia sẻ con giống, kinh nghiệm chăn nuôi và bao tiêu sữa tươi cho các hộ mua dê giống của mình, để cung ứng cho cơ sở chế biến của mình” – anh Nguyễn Văn Đua nói về dự định trong thời gian tới.

“Đây là mô hình rất hiệu quả, mới lạ, mở ra hướng chăn nuôi mới cho bà con nghèo nông thôn vùng sâu có nhiều đồng bào dân tộc Khmer như Tân Hòa. Từ trước đến nay, không ai nghĩ rằng nuôi dê lấy sữa lại đỡ vất vả như thế. Hiện nay chúng tôi đã nhân rộng mô hình nuôi dê lấy sữa tại địa phương, riêng trang trại của anh Đua đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP, chúng tôi sẽ đề nghị cấp trên có hướng hỗ trợ để anh phát triển qui mô sản xuất, cấp chứng nhận nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cùng với việc tìm kiếm thêm nhiều đầu ra để tiêu thụ sản phẩm”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Châu Thành.

Ngọc Thư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved