Theo Nghị định số 180 của Chính phủ, các lĩnh vực công nghệ cao, hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực, có thể áp dụng hợp tác công tư với nhiều ưu đãi về thuế, đất đai…
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 quy định cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, Nghị định quy định về cơ chế, chính sách về: PPP để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; PPP tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; PPP theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; trách nhiệm của các bên trong hoạt động PPP…
Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, trong bốn nhóm lĩnh vực chính.

Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Công nghệ cao và hạ tầng liên quan, bao gồm công nghệ cao, công nghệ chiến lược cùng hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chiến lược đó.
Hạ tầng số, áp dụng cho hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số theo quyết định của Thủ tướng về chiến lược hạ tầng số trong từng thời kỳ.
Nền tảng số dùng chung, bao gồm các nền tảng theo quy định tại Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hoạt động đào tạo nhân lực và hạ tầng phục vụ, áp dụng cho hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; và hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số.
Nghị định cũng nêu một số hoạt động có thể áp dụng hợp tác công tư, gồm: Đầu tư, xây dựng, vận hành nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến, mô hình giáo dục đại học số, nâng cao năng lực số trong xã hội; Đầu tư, xây dựng, vận hành hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở giáo dục đào tạo về công nghệ chiến lược; Xây dựng, kết nối và phát triển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số.
Đáng chú ý, điểm nhấn trong nghị định là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước áp dụng cho hợp tác công tư để đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh các hỗ trợ với tổ chức, cá nhân.
Theo đó, các tổ chức và cá nhân sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế, trong đó chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế có thể bằng 200% chi phí thực tế; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai; được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Trong trường hợp liên doanh để thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ chiến lược hoặc đào tạo, các đơn vị công lập được miễn nộp khoản tối thiểu 2% doanh thu, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chi tiết các điều khoản quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu và phân chia lợi nhuận trong hợp tác công tư; Cơ chế truy cập và sử dụng dữ liệu; Cơ chế kiểm tra, giám sát.
Minh Anh