Doanh nghiệp rất quan tâm đến sự ổn định của chính sách quản lý vĩ mô, chính sách thuế… khi cân nhắc đầu tư.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp, hiệp hội đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến một trong những yếu tố quan trọng để xem xét khi cân nhắc trong quyết định. Bởi với số vốn đầu tư lớn, có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD, doanh nghiệp cần chính sách thuế ổn định ít nhất từ 3 – 5 năm để đảm bảo nguồn lực tài chính đầu tư và cân đối các chi phí.
Ngược lại, khi một chính sách có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp như thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh liên tục không chỉ có thể tạo ra tâm lý bất an cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp cần sự ổn định
Hậu COVID-19 và những tác động của địa chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng… các doanh nghiệp rượu, bia đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, phục hồi chậm. Thời điểm này, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhằm thực hiện điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia.
Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế mạnh và nhanh được đưa ra trong dự thảo đang làm dấy lên những băn khoăn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan. “Doanh nghiệp chưa thể đánh giá hết được các tác động lớn của đề xuất liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt”, đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế ủng hộ quan điểm điều chỉnh tăng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia như cách tính hiện tại theo lộ trình trong giai đoạn 2026 – 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc do tăng nhanh, đột ngột.
Đại diện Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn cũng ủng hộ quan điểm cho rằng việc tuân thủ quy định sử dụng bia rượu có trách nhiệm phải tiếp tục được chú trọng và đề cao trong các hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyết định duy trì phương pháp tính thuế tương đối. Tuy nhiên, doanh nghiệp quan ngại việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như dự thảo – nếu được áp dụng – sẽ là cú “sốc” chưa từng có đối với ngành bia rượu và sẽ gây ra những tác động tiêu cực.
Lo ngại những hệ luỵ không mong muốn
Ông Bùi Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, mức thuế suất với rượu bia dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới ảnh hưởng đến sản xuất, hành vi người tiêu dùng. Với trên dưới 60% sản lượng bia rượu tiêu thụ tại Việt Nam là nhập lậu, tăng thuế quá nhanh khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm giá rẻ tự sản xuất, chất lượng thấp.
Ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vào đầu năm 2022, rượu từ khu vực phi chính thức, cụ thể là rượu thủ công và rượu lậu, ước tính khoảng 385 triệu lít/năm mà Nhà nước không thu được một đồng thuế. Trong đó, rượu thủ công chiếm 70 – 90%.
Hơn nữa, nhìn từ các dữ liệu lịch sử, ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, việc tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Theo đó, từ năm 2003 – 2016 dựa trên số liệu của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam và Tổng Cục thuế cho thấy trong 13 năm nay, từ lúc tiêu thụ bia/rượu bình quân đầu người 3,8 lít/người/năm tăng lên 6,6 lít/người/năm vào giai đoạn từ năm 2008 – 2010.
Năm 2016, thời kỳ kinh tế tăng trưởng đỉnh cao của giai đoạn vừa qua, mức tiêu thụ này lên đến 8,3 lít/người/năm. Như vậy, từ năm 2003 – 2016, mức độ tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người đã tăng gấp hơn 2 lần. Tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia trong khoảng thời gian trên tăng từ 1,4% lên 14%, gấp 10 lần.
Cũng trong thời gian này, thuế áp dụng với mặt hàng rượu bia tăng rất nhiều nhưng thực tế không điều chỉnh được hành vi của người tiêu dùng. Do đó, chuyên gia này cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng mà thực chất sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng do tác động của Nghị định 100.
Như vậy, các biện pháp hành chính có tác dụng nhiều hơn thuế. Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn đề xuất cần tiếp tục kéo dài các biện pháp hành chính, bởi có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với sử dụng các công cụ thuế.
Từ góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định: Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp, hiệp hội trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lấy ý kiến của các các đối tượng này là rất cần thiết.
Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cũng đồng quan điểm cho rằng, Ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế – xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới.
Trên cơ sở các thông tin đánh giá tác động đầy đủ, Ban soạn thảo cân nhắc đề xuất lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá; áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với dự thảo hiện tại, nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức.