Công ty TNHH DHA Bắc Ninh.

Lợi nhuận tích lũy đang bị “bào mòn”

Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng năm 2023 được tổ chức mới đây, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) – Trương Văn Cẩm cho biết: “Do 85 – 86% sản phẩm của ngành dệt may hướng đến xuất khẩu nên bất kỳ một biến động nào của kinh tế thế giới đều ảnh hưởng đến ngành hàng này. Kết thúc 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành dệt may công bố kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể, èo uột về cả doanh thu và lợi nhuận. Bước vào quý 2, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may tiếp tục đối mặt với tăng trưởng âm khi đơn hàng sụt giảm 25 – 30% so với cùng kỳ”.

Số liệu của Vitas cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,780 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành may đang đứng trước những khó khăn, thử thách trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu (Trong ảnh: công nhân làm việc tại công ty TNHH DHA Bắc Ninh).

Theo ông Phạm Ngọc Anh, Giám đốc công ty TNHH DHA Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, thì những khó khăn này đã được dự báo từ trước.

Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều suy giảm mạnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý I/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng, phổ biến từ 50-70%, cá biệt có doanh nghiệp trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu.

“Chưa bao giờ xảy ra tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, giá lại giảm rất mạnh như hiện nay. Thậm chí, giá gia công cũng giảm tới 50%. Bên cạnh đó, việc giao nhận hàng, chậm trễ từ phía đối tác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tiền, kho bãi”, ông Phạm Ngọc Anh cho hay.

Cần chính sách sát sườn hơn

Trước những khó khăn, vấn đề bây giờ doanh nghiệp cần là có những chính sách hỗ trợ một cách sát sườn, thực chất để giúp doanh nghiệp trụ lại, giữ chân người lao động.

Quyết định của Chính phủ giảm hoãn, giãn tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT vừa qua đã thật sự tạo động lực cho doanh nghiệp. Dù vậy, theo Giám đốc công ty TNHH DHA Bắc Ninh, doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành, địa phương thông tin tình hình thị trường kịp thời hơn; tổ chức xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Anh, khát vốn là thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù chính sách vay vốn ngân hàng đã cởi mở hơn, các ngân hàng hỗ trợ tích cực nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Để vượt qua khó khăn, ông Phạm Ngọc Anh cho rằng, doanh nghiệp trong ngành may cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để trả lương cho người lao động; giãn hoãn, khởi động lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát…

Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp ngành dệt may đó là thiếu đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Đây là khó khăn chung của thị trường quốc tế khi sức tiêu thụ giảm. Cái khó đơn hàng kéo theo hệ lụy là các doanh nghiệp phải chật vật giữ chân lao động.

Ông Phạm Ngọc Anh, Giám đốc công ty TNHH DHA Bắc Ninh kiểm tra quy trình sản xuất.

Với hơn 2000 công nhân, mỗi tháng, DHA Bắc Ninh chi trả hàng chục tỷ đồng cho quỹ tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp,… Do đó, ngoài việc giảm thuế, phí, kéo giảm lãi vay, Chính phủ cần xem xét, triển khai giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp vượt qua “tâm bão” như hiện nay.

“Theo tôi, đây là chính sách rất thiết thực, nếu ra được chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp rất lớn, tiết kiệm được chi phí tài chính, vẫn duy trì lương cho lao động, giữ nhân công, giảm áp lực lên an sinh xã hội”, ông Phạm Ngọc Anh cho hay.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, công ty DHA Bắc Ninh đã phải linh hoạt chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa khách hàng, mặt hàng, tập trung vào khâu thế mạnh nhằm duy trì việc làm cho người lao động, ổn định sản xuất.

Để duy trì được sản xuất, doanh nghiệp cần phải thay đổi, sáng tạo linh hoạt để tạo sự khác biệt, cố gắng duy trì và phát triển khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài nước thông qua các kênh khác nhau. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm bằng các biện pháp cụ thể như: Tự động hoá các khâu sản xuất chính, cân đối dây chuyền một cách hợp lý, tính toán mặt hàng sản xuất tối ưu, triệt để nhằm tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng.