Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về đề xuất thí điểm tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận – huyện của TP HCM
Xem xét đề xuất của UBND TP HCM
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các Bộ: Nội vụ, Tư pháp để phân tích làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến kiến nghị của UBND TP HCM làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; trong đó tập trung vào các nội dung:
Tình hình thực hiện các chủ trương, chỉ đạo về trung tâm phát triển quỹ đất (bao gồm tình hình sửa đổi, bổ sung hệ thống quy định pháp luật hiện hành về Trung tâm Phát triển quỹ đất) nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW trên toàn quốc cũng như tại TP HCM.
Đối với đề xuất của UBND TP HCM, cần xác định rõ căn cứ pháp lý, cơ quan có thẩm quyền theo quy định; xác định rõ mục tiêu, thời điểm, thời gian thực hiện, kết quả của việc thí điểm; phân tích rõ các mặt được, các mặt hạn chế, tác động của việc thí điểm đối với việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kết luận số 36-KL/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP. Trên cơ sở đó, có ý kiến tham mưu rõ về phương án để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Sau khi đã có các phân tích trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, tháng 12/2019, UBND TP HCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho thành phố được thực hiện thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận huyện.
Theo UBND TP HCM, việc tổ chức Ban bồi thường sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị mở rộng chức năng, nhiệm vụ, có sự tham gia của hệ thống chính trị, do đó sẽ hiệu quả hơn trong quá trình nhà nước thu hồi đất, đảm bảo tiến độ giao đất cho chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, TP cũng cho rằng, thành lập Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận huyện sẽ tăng cường tính tự chủ của các đơn đơn vị, có điều kiện khẳng định vai trò, vị trí của các đơn vị góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Khắc phục tồn tại trong bồi thường giải phóng mặt bằng
Theo đề xuất của UBND TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố đang tồn tại nhiều dự án chậm tiến độ liên quan đến bồi thường và giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do trình tự lập, thẩm định, hệ duyệt hệ số điều chỉ giá đất mất quá nhiều thời gian, dẫn tới việc giá đất không theo kịp biến động giá của thị trường, người dân từ đó không có tính đồng thuận cao.
Bên cạnh đó, công tác xác nhận hồ sơ pháp lý nhà đất để bồi thường còn chậm; nhiều hạn chế trong việc khảo sát, lập dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư có tính tiên lượng chưa chính xác dẫn đến các dự án buộc phải điều chỉnh so với khảo sát ban đầu. Một số dự án chậm trễ trong khâu tìm quỹ đất tái định cư, kéo dài thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng dẫn đến không nhận được sự đồng thuận của người dân.
“Việc tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thành Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ góp phần sắp xếp toàn diện, kiện toàn đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng dàn trải, trùng lặp giữa các cơ quan” – UBND TP HCM khẳng định.