Chính phủ dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, trong đó GDP tăng khoảng 6% so với năm 2020; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khai mạc sáng nay (20/10), thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo “Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021” của Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Trình Quốc hội chỉ tiêu GDP năm 2021 tăng 6%
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn chung năm 2020 có nhiều điểm sáng, đã hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống của người dân, giúp đỡ được bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Về tăng trưởng, quy mô GDP tiếp tục tăng nhưng giá trị gia tăng thấp hơn nhiều so với năm 2019 và bình quân giai đoạn 2016-2020.
Số liệu của báo cáo nêu rõ, năm 2020, GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 263 nghìn tỷ đồng so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng gần 500 nghìn tỷ đồng so với năm 2018).
GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144 USD); tốc độ tăng GDP năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019 (7,02%); sản xuất, kinh doanh chỉ cố gắng ở mức duy trì hoạt động, động lực tăng trưởng phải dựa nhiều vào vốn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ước đạt 37,48%, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (47,71%). Tuy nhiên, bình quân 5 năm, TFP ước đạt khoảng 43%, cao hơn mục tiêu Kế hoạch 5 năm đề ra (30-35%).
Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm).
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu 17 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng cao khoảng 93 tỷ USD…
Về kế hoạch 2021, Chính phủ nhận định nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động tiêu cực của tình hình thế giới do độ mở của nền kinh tế lớn và những hạn chế, bất cập nội tại; nguồn lực hạn hẹp, trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu về đầu tư phát triển, phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội,…
Mục tiêu tổng quát được Chính phủ xác định là tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Chính phủ dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, trong đó GDP tăng khoảng 6% so với năm 2020; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.
Các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội: Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5% so với năm 2020…
Quyết liệt thực hiện
Nhìn lại diễn biến và số liệu nói trên, từ đầu năm 2020 cho đến nay, dù rất khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn khá tích cực trong tương quan chung. TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 8 (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là năm kinh tế Việt Nam phải vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để tận dụng những cơ hội mới được tạo ra từ chính đại dịch này.
Vì vậy chuyên gia này cho rằng, trong quý IV/2020 và năm 2021, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội. Về giải pháp cụ thể, theo ông Lực, một mặt cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Cùng với đó, cần tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công (trên cơ sở đảm bảo chất lượng), coi đây như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2021 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cụ thể một số ngành, lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhằm ổn định kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và giữ được việc làm, tạo tiền đề cho tăng trưởng các năm sau đó.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phát huy thế mạnh của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, có tính lan tỏa cao, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Trong quá trình này, cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử để vừa giúp tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế hiện nay cũng như giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta cần phải có sự nghiên cứu tác động về sự thay đổi của nền kinh tế sau COVID-19, bởi nền kinh tế sau COVID-19 thay đổi rất cơ bản. Ông Doanh cho rằng, sau COVID-19 nền kinh tế đã chuyển sang kinh tế số hóa, các cá nhân, lãnh đạo trực tiếp làm việc với nhau giảm… Chúng ta không nên chủ quan nếu hết COVID-19 thì nền kinh tế lại trở lại bình thường. Thứ hai, các doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu, phải thay đổi, phải chuyển sang kinh tế số, tìm ra các đối tác để tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Cần phải nhìn nhận có điểm yếu gì, thế mạnh gì để khắc phục và thay đổi.
Tăng trưởng ở mức 6%, hay thậm chí cao hơn không chỉ là kỳ vọng mà dường như cũng là một mục tiêu “bắt buộc” trong năm tới mặc dù phía trước, tính bất định của dịch Covid còn rất cao. Đây cũng là năm mà kinh tế Việt Nam đã có nhiều bài học quý nên chắc chắn phải vượt qua những tác động tiếp theo của đại dịch một cách chủ động, để không chỉ hóa giải được các thách thức mà còn tận dụng những cơ hội mới được tạo ra.
Linh Nga