Chuyển tới nội dung

Chính phủ đã có quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp KT-XH phục hồi nhanh sau dịch COVID-19

Ý kiến của nhiều ĐBQH khẳng định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch COVID -19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô

 Ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với Báo cáo nói trên do Chính phủ báo cáo trước Quốc hội; cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn, song những kết quả đạt được là hết sức tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân.

 “Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch COVID -19 và đạt được những kết quả khá khả quan, toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo…”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu.

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) và một số ý kiến đánh giá rất cao tính chủ động, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành với sự chủ động nhằm tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro do những tác động, diễn biến nhanh chóng, phức tạp khó lường của tình hình khu vực, thế giới.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng thời gian tới, đất nước ta tiếp tục phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức thậm chi còn nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Do đó, Chính phủ, các cấp các ngành cần tiếp tục dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ,… Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Một số ý kiến đề nghị cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung cầu; điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng điều cấp bách lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước để việc thực thi các chính sách kinh tế – xã hội có sự cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Trên tinh thần này, đại biểu mong muốn trong chỉ đạo, điều hành vĩ mô, Chính phủ cần kiên quyết, kiên trì quan điểm giữ vững ổn định vĩ mô; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại và phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

“Sức ép thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là rất lớn. Vì vậy Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm vốn cho sản xuất cũng như những giải pháp về phát triển và mở rộng thị trường”, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu.

Một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng đó là đầu tư công. Chia sẻ và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương trong triển khai giải ngân đầu tư công, tuy nhiên lĩnh vực này còn những hạn chế và chưa được như yêu cầu mong muốn, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua.

Lao động việc làm – vấn đề xã hội lớn cần tập trung giải quyết

 Khẳng định cao điểm chống dịch COVID- 19 đã đi qua nhưng những tác động, hệ lụy của dịch bệnh vẫn còn dai dẳng, kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực lao động việc làm, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng dịch bệnh đã làm hưởng rất lớn đến thị trường lao động, qua đó làm ảnh ưởng đến đời sống của người lao động bị mất việc làm và những người sống phụ thuộc vào họ. Đánh giá đây là vấn đề xã hội rất lớn, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có biện pháp hiệu quả hơn để xử lý nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động; nên thành lập quỹ an sinh xã hội để hỗ trợ cho người lao động, góp phần giảm tải, áp lực cho các quỹ an sinh truyền thống khác như các quỹ về bảo hiểm.

Quan tâm đến vấn đề lao động, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng trong nền kinh tế thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỉ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát cũng tăng theo và ngược lại. Hiện nay Việt Nam đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Vì thế, đại biểu kiến nghị năm 2023, Chính phủ xác định là “Năm Dữ liệu số Việt Nam” nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay; kịp thời có rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất bổ sung các chính sách lao động việc làm mang tính khả thi, phù hợp.

Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng cần có giải pháp đột phá trong tập trung nguồn lực để giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng là vấn đề về xã hội, một số ý kiến đại biểu cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại đang ngày càng tăng, vì vậy đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách cũng như tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.

“Tình hình bạo lực học đường hiện nay là vấn đề đáng báo động, tôi đề nghị các cấp, các ngành phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực, hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn bằng được thực trạng trên”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nhấn mạnh.

Cùng với các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là là động khu vực nông thôn…

Hải Liên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved