Ứng dụng sẽ “chấm điểm” các gương mặt “hết mình” sau bữa tất niên, càng “hết mình” thì hôm sau sẽ được càng nhiều ưu đãi giảm giá của Burger King. Một “chiêu” tiếp thị tương tác mới của hãng này.
Mới đây, Burger King đã phối hợp với công ty quảng cáo DM9 để phát động chương trình ưu đãi giảm giá burger dành cho người say rượu kéo dài tới hết ngày 2/1/2024. Người dùng sẽ quét khuôn mặt say xỉn của mình trên tính năng nhận diện khuôn mặt ở ứng dụng Burger King Delivery và một website nhỏ. Tùy theo mức độ say mà ứng dụng đo được, người dùng sẽ được nhận mức giảm giá tương ứng và đồ ăn gợi ý phù hợp.
Đúng như vậy, những khuôn mặt say xỉn đến chính chủ nhân còn chẳng muốn nhìn lại rất có “giá”. Thậm chí, người dùng càng say nhiều, khuôn mặt càng mệt mỏi khó chịu bao nhiêu thì càng dễ có cơ hội được giảm giá nhiều bấy nhiêu. Do đó, thay vì cảm thấy tồi tệ, mệt mỏi vào buổi sáng sau khi tan tiệc, người dùng có thể mong chờ một niềm vui mới. Đó chính là những chiếc burger được mua với phiếu giảm giá do chính bộ mặt đau khổ vì say của họ mang lại.
Với chương trình mới này của Burger King, người dùng được tương tác trực tiếp, nhờ vậy họ sẽ cảm thấy đây giống như một trò chơi, một thử thách hơn là một chương trình ưu đãi khuyến khích mua hàng thông thường. Nhiều người sẽ muốn thử xem mình say thế nào và mức độ nôn nao của mình có “giá” bao nhiêu. Vậy là họ sẽ bớt đề phòng với Burger King và mua hàng một cách tự nhiên hơn thông qua chương trình.
Theo Icaro Doria, đồng chủ tịch và CCO của DM9, cho biết trong một tuyên bố, việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt kết hợp với sự hài hước sẽ tạo ra một kết nối thú vị khác với người tiêu dùng trong chương trình mới của Burger King.
Chương trình còn được thực hiện trong mùa lễ hội, đúng thời điểm mà mọi người đổ xô tiệc tùng thâu đêm với rượu bia. Bởi vậy, Burger King càng có thể tiếp cận được với một lượng lớn khách hàng đam mê tiệc tùng.
Đây là chương trình mới nhất, trong chuỗi các chương trình tiếp thị tương tác qua công nghệ di động thú vị của Burger King, nhằm thu hút người dùng ứng dụng và hoạt động phân phối của chuỗi.
Vào năm 2019, chuỗi này đã cung cấp cho người dùng di động ở Brazil một chiếc burger Whopper miễn phí để “đốt cháy” quảng cáo của các đối thủ cạnh tranh. Với chiến dịch “Đốt quảng cáo đó”, bất kỳ ai soi quảng cáo của đối thủ cạnh tranh qua ứng dụng Burger King ở Brazil đều có thể thấy quảng cáo đó bị đốt cháy ngay lập tức trong thế giới ảo, và biến thành quảng cáo của Burger King. Khi ngọn lửa tắt, người tiêu dùng sẽ thấy một màn hình thông báo rằng họ đã nhận được một chiếc Whopper miễn phí để thưởng thức tại nhà hàng gần nhất.
Và vào năm 2018, hãng cũng đã làm chương trình “Whopper Detour” để thu hút người tiêu dùng rời khỏi McDonald’s và đến các nhà hàng của họ. Cụ thể, Burger King cho phép người dùng mua chiếc bánh Burger King Whopper với giá 1 cent khi check-in trong phạm vi 600 feet (183m) xung quanh các cửa hàng của McDonald’s. Sau đó, ứng dụng sẽ điều hướng người dùng đến cửa hàng Burger King gần nhất để nhận thức ăn của mình. “Whopper Detour” đã thu hút hơn 1 triệu lượt tải xuống ứng dụng chỉ trong vài ngày kể từ khi khởi động chiến dịch, sau đó đạt tổng cộng 1,5 triệu lượt tải xuống.
Có thể thấy, tiếp thị bằng cách sử dụng thực tế ảo và tăng cường cho phép các thương hiệu tạo ra trải nghiệm, thu hút người tiêu dùng và khuyến khích chuyển đổi theo những cách thú vị.
Hiện nay, doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng của Burger King tăng 6,6% ở Mỹ và 7,6% trên thị trường quốc tế nhưng mức tăng trưởng doanh thu của chuỗi này lại thấp hơn ước tính của Phố Wall. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến Burger King tiếp nối chuỗi chương trình thúc đẩy tương tác di động của hãng.
Quân Bảo