Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo dòng chảy lịch sử chiến tranh thế giới, nhân loại đã phải hứng chịu biết bao đau thương bởi sự thảm khốc do chiến tranh để lại, song cũng được chứng kiến những chiến thắng vĩ đại, đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng của mỗi quốc gia, dân tộc.

Và trong thế kỷ XX, Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) nổi lên là một sự kiện lịch sử tiêu biểu, có giá trị to lớn, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945 – 1954).

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức toàn diện nhất, quyết liệt nhất giữa ta và địch. Thắng, bại của quân dân ta trong chiến dịch này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc ta và nhân dân thế giới đang chiến đấu vì độc lập, tự do. Vì vậy, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có quyết tâm và nỗ lực rất cao.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh – pháo binh 351.

Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch, nên sau một thời gian ngắn, hàng ngàn km đường được xây dựng, sửa chữa. Công tác chuẩn bị các mặt trên vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.

 Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, với tầm nhìn chiến lược, bằng sức mạnh tổng hợp của các yếu tố, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta đã liên tục tiến công, lần lượt đột phá, tiêu diệt từng cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, chiều ngày 7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries (Đờ-cát), kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.

Thực tế, đây không phải là chiến thắng đầu tiên, bởi lẽ trước đó đã có chiến thắng của chiến dịch Thu Đông năm 1950. Tuy nhiên đây lại là chiến thắng vang dội đầu tiên trên trận địa do người  Pháp lựa chọn và chuẩn bị. Ở đây là chiến thắng có tính biểu tượng vô cùng to lớn trong lịch sử của một quân đội nhân dân. Là chiến thắng quan trọng của quân đội một nước thuộc địa chống lại quân đội một nước Châu Âu hùng mạnh hơn, hiện đại hơn. Và đây là chiến thắng có tầm ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều câu hỏi được đặt ra là vì sao Việt Nam lại chiến thắng được Pháp – một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ?

Chúng ta đã chiến thắng vì tất cả đều có niềm tin tất thắng, vì cuộc chiến đấu của chúng ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ nhân phẩm con người, vì nền độc lập, tự do, hòa bình của nhân loại. Là trận chiến thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về tác chiến của quân đội ta.

Nó giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương.

Đây cũng là chiến thắng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Liên qua đến vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), nói rằng: “Sau 66 năm nhìn lại, đến bây giờ vẫn còn nhiều điều mà cộng đồng quốc tế vẫn còn phân vân, chưa lý giải được vì sao Việt Nam lại có thể thắng được cả Pháp và Mỹ. So sánh về tương quan lực lượng, trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam chỉ 1, còn Pháp phải 10. Thế nhưng Việt Nam đã giành được thắng lợi, tạo ra một mốc son trong lịch sử Việt Nam, chặt đứt dây chuyền của chủ nghĩa thực dân cũ, làm cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ.”

Dù sao đi nữa, chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế kém phát triển, nhưng có một Đảng mác-xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần.

Và với mỗi người Việt Nam, âm vang và ý nghĩa của trận đánh lịch sử này còn mãi giá trị, không chỉ đối với những thế hệ của thời đại ấy, mà còn cả đối với những thế hệ hôm nay, mai sau. Nhưng đó không phải là để khắc sâu thêm những nỗi đau chiến tranh, mà để ứng xử đúng đắn hơn.

Hiện nay, dù cho sự nghiệp cách mạng của nhân ta còn nhiều khó khăn, thách thức; nhưng  chúng ta hãy tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với  tinh thần và ý chí của quân và dân ta được hun đúc từ Điện Biên Phủ, công cuộc kiến thiết, xây dựng  đất nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong thời kỳ mới.