Việt Nam trọn vẹn hình hài, từ Móng Cái rừng dương tới Cà Mau rừng đước, Nam, Bắc sum họp một nhà. Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 mở ra trang mới cho lịch sử dân tộc, thời kỳ độc lập, tự chủ, xây dựng tái thiết đất nước giàu đẹp văn minh.

Ngàn lần biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người hy sinh tính mạng, thân thể quý giá của mình. Biết ơn bậc cha, mẹ Việt Nam anh hùng chịu  nỗi đau mất con, nuốt nước mắt thắp thành ngọn lửa sức mạnh, thiêu cháy bè lũ cướp nước, bán nước.

Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, kinh tế phát triển, mức sống đáng mơ ước so với cha ông, cần ghi nhớ công ơn cha ông – những người hiến dâng máu xương, tuổi trẻ, thanh xuân của mình, ngã xuống vì tổ quốc giữa tuổi xuân cho đất nước có mùa xuân tươi thắm, trường tồn.

30-4-2

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Có được chiến thắng lịch sử với kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng lòng triệu người như một, quyết “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” như lời bác Hồ dạy. Trên chiến trường, trong nhà máy, trên cánh đồng, bàn ngoại giao, đường mòn Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển, dòng tài chính chảy ngầm trong hệ thống ngân hàng, các chiến sĩ tình báo âm thầm…, trong tim mỗi người Việt Nam lòng yêu nước cứ thôi thúc làm nên những điều thần kỳ, góp phần làm lên chiến thắng vĩ đại.

Có mặt trận không có tiếng súng, mặt trận đẹp nhất trong các mặt trận, khi các chiến sĩ là văn công, ca sĩ, văn nghệ sĩ… khoác áo, khoác súng lên đường. Sân khấu là chiến trường, khán giả là chiến sĩ, hòa mình với khí thế hào hùng của cả dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, để cho ra đời những bài thơ, điệu nhạc có sức mạnh lay động hàng triệu con tim, cổ vũ cho niềm tin tất thắng, cho ý chí không ngại hy sinh gian khổ của chiến sĩ, đồng bào. Những tác phẩm có sức mạnh vô hình như bằng cả đội quân.

30-4-1

Khu vực Dinh độc lập ngày 30/4/1975.

Chia tay lên đường đánh giặc mấy ai hẹn ngày trở về, bước vào trận chiến biết là đau thương mất mát nhưng không có lời bi lụy, chỉ có “sức oai hùng đang căng trong toàn thân”. Viết đến đây không hiểu sao bao nhiêu lời ca, điệu nhạc, câu thơ “sống mãi cùng tháng năm” cứ ùa về trong tôi như đưa tôi trôi về quá khứ, của những ngày tháng gian khổ mà oai hùng của ông cha. Tôi hiểu rằng chỉ có lòng yêu nước nồng nàn mới tạo thành sức mạnh cho chiến sĩ, thành câu ca đẹp đến lãng mạn mà thật kiêu hùng:

“Một màu rừng xanh bạt ngàn hi vọng

Một ý chí bay qua đầu ngọn súng

Một niềm tin quyết thắng trong trận này”…

Các ca khúc thời chống thực dân, đế quốc của âm nhạc Việt Nam phảng phất âm hưởng của dân ca quê hương, luyến láy tình quê lưu luyến, nhưng vì hòa bình cho quê hương mà “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” nên giai điệu thật mạnh mẽ, vui tươi:

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”…

Ngọn lửa yêu nước thắp lên từ những lời bài hát này đi cùng năm tháng, đến nay vẫn được yêu mến hát lên cháy sáng trong lòng người. Còn bao nhiêu bài hát vần thơ nữa, ca từ đẹp, giai điệu thôi thúc lòng người, tạo nên sức mạnh vô hình cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Xét cho cùng chúng ta hy sinh tất cả cũng là để giữ gìn chủ quyền và văn hóa cho đất nước. Mất đi văn hóa truyền thống, mất đi ngôn ngữ, tiếng nói… chính là mất nước thực sự.

Lý tưởng cao đẹp, mục đích cao cả giúp cho các tác giả sáng tác ra các tác phẩm văn học, thơ ca, nhạc, họa, sân khấu, nghệ thuật… Tất cả góp phần tạo lên sức mạnh tổng hợp “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Khi văn nghệ sĩ “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” thì sức mạnh toàn dân như có thêm chất kết dính “triệu người như một”. Khi trái tim chung nhịp đập, tư tưởng cùng chí hướng thì bom, đạn sẽ bất lực trước sức mạnh tinh thần của người dân Việt Nam.

Có thể khẳng định, chiến thắng của chúng ta có sự góp công của mặt trận văn hóa. Cho nên đến thời đại hiện nay việc giáo dục lịch sử, giữ gìn văn hóa truyền thống là trách nhiệm chung của người dân Việt Nam yêu nước.

Quang Nhật