-7833-1664493156

Việc Nga quyết định sáp nhập 4 vùng lãnh thô Ukraine sẽ khiến cuộc chiến Nga- Ukraine trở nên nguy hiểm hơn

Tổng thống Nga Putin đã ký các sắc lệnh công nhận độc lập của các khu vực Kherson và Zaporozhie. Sắc lệnh này đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức.

Theo các tài liệu được Nga công bố, Tổng thống Nga đã đưa ra quyết định này phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực được chấp nhận chung của luật pháp quốc tế, công nhận và xác nhận nguyên tắc quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, có tính đến ý chí của người dân trong khu vực trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, động thái của Tổng thống Putin được cho là hành vi vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và là một lý do khiến phần lớn các quốc gia trên thế giới không chấp nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý tại Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk, Lugansk.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập các khu vực của Ukraine, gợi lại sự sáp nhập Crimea của Nga vào năm 2014, sẽ không thay đổi thực tế rằng cuộc chiến này đã phản tác dụng đối với Tổng thống Putin, gây ra nhiều tổn thất cho các lực lượng quân đội Nga và đang dấy lên những bất đồng bất thường trong nội bộ quốc gia này.

nga-tuyen-bo-bao-ve-hoan-toan-cac-vung-lanh-tho-sap-nhap-1245951

Binh sĩ bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga tại một đơn vị quân sự ở Lugansk, miền Đông Ukraine.

Theo các nhà phân tích, do Moscow sẽ xác định những khu vực này là một phần của lãnh thổ Nga rộng lớn hơn, nên đã làm dấy lên lo ngại về leo thang chiến sự Nga- Ukraine.  Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng ông có thể sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí, trong đó có vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga.

Ông Jon Wolfsthal, cựu chuyên gia chính sách hạt nhân Nhà Trắng nhận định, chiều hướng mới này của cuộc xung đột có khả năng dẫn tới sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine đi kèm với mức rủi ro cao hơn do không có dấu hiệu Kiev sẽ ngừng chiến đấu để khôi phục quyền kiểm soát trên các vùng bị sáp nhập bằng cách sử dụng các loại vũ khí được Mỹ và phương Tây viện trợ.

“Hành động này có thể sẽ củng cố sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với Ukraine trong bối cảnh có một số dấu hiệu cho thấy, đa số thành viên đảng Cộng hòa có tiềm năng trúng cử vào Hạ viện trong cuộc bầu cử sắp tới có thể ít quan tâm đến việc viện trợ cho Kiev”, chuyên gia Wolfsthal cho biết.

Tuy nhiên, với sự thay đổi này, Mỹ cũng có thể cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ theo chuẩn NATO, tổ hợp tên lửa Patriot, tổ hợp Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) hay tên lửa tầm xa ATACMS nhằm giúp quân đội nước này phản công mạnh mẽ hơn.

Về lâu dài, việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ nói trên của Ukraine cũng cho thấy thách thức cơ bản đối với pháp quyền quốc tế nếu như không có hành động nào được đưa ra để trừng phạt Nga. Đây cũng là bài kiểm tra nguyên tắc của thế giới sau Thế chiến thứ II do phương Tây lãnh đạo, rằng các dân tộc tự do có quyền lựa chọn số phận quốc gia và chính trị của mình.

Trong bài phát biểu trước Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Biden chỉ trích Nga “vi phạm nghiêm trọng” hiến chương Liên Hợp Quốc khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. “Nói một cách thẳng thắn, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tấn công nước láng giềng”, ông Biden nhấn mạnh.

Cẩm Anh