Quốc hội Mỹ từng yêu cầu các nhà lãnh đạo ngân hàng điều trần sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đối chất với các nhà sản xuất thuốc lá về những vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng. Họ cũng buộc các nhà lãnh đạo ngành hàng không phải giải thích về thói quen đối xử tệ với hành khách trong nhiều năm.

Giờ đây, đến lượt ngành công nghệ phải giải trình trước Quốc hội. 4 nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong giới công nghệ Mỹ – gồm Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Tim Cook, Sundar Pichai – sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 29/7 (theo giờ địa phương) để giải thích hàng loạt vấn đề liên quan tới hành vi độc quyền.

Một trong những hành vi độc quyền mà “tứ đại gia” phải giải thích là sao chép những ý tưởng, sản phẩm mà doanh nghiệp khác thực hiện. Nhiều người cáo buộc Apple, Facebook, Google và Amazon mua các công ty nhỏ để sở hữu các tính năng hấp dẫn, hoặc khiến các ứng dụng không thể xuất hiện trên nền tảng của các đối thủ cạnh tranh.

Tiểu ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về Chống độc quyền sẽ công bố những bằng chứng cụ thể cho luận điểm “mua để giết” trong phiên điều trần.

Pramila Jayapal, một trong những thành viên hội đồng sẽ đưa ra tài liệu chứng minh chiến lược cạnh tranh “mua để giết” của 4 tập đoàn công nghệ.

Với việc chất vấn các “thuyền trưởng” của Amazon, Apple, Facebook và Google, các nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và đảng Công hòa đều hi vọng họ sẽ tạo ra thay đổi toàn diện ở Thung lũng Silicon.

Để chuẩn bị cho buổi điều trần, Quốc hội đã chuẩn bị hơn một năm. Các nghị sĩ đã thu thập 1,3 triệu tài liệu, thực hiện hàng trăm giờ thẩm vấn và tổ chức các phiên thảo luận với các đồng minh và đối thủ của “tứ đại gia”. Kì vọng của các nghị sĩ là tạo ra một báo cáo rằng ngành công nghệ đã lách luật cạnh tranh liên bang vì các luật đã không còn theo kịp tốc độ phát triển của kỉ nguyên số.

4 tứ đại gia công nghệ có thể áp dụng chiến lược “mua để diệt” với cả phần cứng lẫn phần mềm. Chẳng hạn, Apple sẽ sẽ ra mắt Air Tags, vốn là phiên bản sao chép và cải thiện chức năng của Tile, một công ty khởi nghiệp. Sau khi Tile đã phàn nàn, Apple tuyên bố họ sẽ tạo ra thay đổi trong iOS 14 để tạo ra một chức năng riêng.

Người tiêu dùng sẽ thiệt thòi nếu các ứng dụng và dịch vụ trên nền tảng ưa thích của họ biến mất sau khi chủ sở hữu bán chúng. Ví dụ, Apple đã đóng ứng dụng Dark Sky trên nền tảng Android sau khi mua nhà phát triển ứng dụng.

“Đã đến lúc các tập đoàn chứng minh họ đang ủng hộ sự đổi mới và người tiêu dùng”, ông Robert Atkinson, chủ tịch Quỹ Sáng tạo và Công nghệ Thông tin, phát biểu.

Việc mua lại các công ty nhỏ của những đế chế công nghệ như Apple đã tăng lên trong năm nay.

Số công ty nhỏ mà Amazon, Apple, Google, Facebook, và Microsoft mua lại trong 6 tháng đầu năm đã đạt 27, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất từ năm 2015.

Phong trào mua lại tràn lan càng làm tăng khả năng các tập đoàn sẽ chịu sự giám sát về độc quyền. Việc đẩy nhanh các thương vụ thôn tính là bằng chứng cho các nhà kinh tế, luật sư và nhà lập pháp thấy rằng những tập đoàn công nghệ, với tiền mặt rủng rỉnh, có thể lấn lướt các đối thủ để giành thị phần.

Một mối lo ngại lớn hơn nữa là những đế chế công nghệ có khả năng triệt tiêu cạnh tranh bằng cách mua lại các đối thủ tiềm năng.

Cùng với chiến lược mua lại các công ty nhỏ, tứ đại gia sẽ phải giải trình nhiều vấn đề nổi cộm khác. Apple sẽ phải giải đáp tình trạng độc quyền quản lý App Store và thu phí tới 30% đối với các nhà sản xuất ứng dụng.

Ông Jeff Bezos sẽ phải trả lời chất vấn về việc Amazon tung ra những sản phẩm riêng và bán trên trang thương mại điện tử của họ. Ngoài ra, Bezos cũng sẽ phải lí giải về cáo buộc lạm dụng dữ liệu người dùng và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu.

Facebook và Google sẽ phải trình bày về cách họ phân phối nội dung thù địch, sai sự thật và các chính sách về dữ liệu người dùng. Hai tập đoàn cũng phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng về chiến lược độc quyền phân phối quảng cáo, bóp nghẹt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nội dung khác.

Theo Vietnambiz