Thông thường, các công ty lớn ở thị trường lớn, sau khi cạnh tranh một cách gay gắt với các đối thủ ngang tầm, họ mới bắt đầu cố gắng tìm cách tăng trưởng bằng cách mở chi nhánh tại các địa phương nhỏ.

Có một mô hình tốt hơn để thực hiện giải pháp này, mà các công ty đa quốc gia đã thực hiện từ lâu, đó là mô hình mạng lưới nguồn lực.

Sam-Zell

Tỉ phú Sam Zell – cha đẻ của mô hình mạng lưới nguồn lực, huy động vốn ở thành phố lớn với chi phí thấp, sau đó trở thành cá lớn ở các thị trấn nhỏ.

Bước đi của tỉ phú Sam Zell

Vào những năm 1960, tỉ phú Sam Zell- lúc bấy giờ chỉ mới là một sinh viên hơn 20 tuổi – bắt đầu kinh doanh bất động sản cho thuê để phục vụ nhu cầu cho các bạn cùng trường ở Ann Arbor (bang Michigan, Mỹ). Sau một thời gian vận hành, Sam Zell đã thấy nguồn cầu khá ổn định, và bắt đầu muốn gia tăng quy mô doanh nghiệp mình lên.

Tuy nhiên, để mở rộng, lượng vốn cần thiết là quá sức đối với Sam Zell. Sam Zell bắt đầu quay về quê nhà ở Chicago và tìm nguồn vốn từ cha mình, cũng như những mối quan hệ quen biết tại đây. Trong quá trình thương thảo, Sam Zell chợt nhận ra một sự thật mang tính bước ngoặt: Nhà đầu tư ở các thành phố lớn như Chicago có tỉ suất sinh lời trên vốn rất thấp do phải cạnh tranh ở một thị trường lớn, với rất nhiều đối thủ có nguồn lực vốn ngang ngửa, thậm chí mạnh hơn. Ở đây, tất cả đối tác của cha Sam Zell thậm chí phải cạnh tranh với chiến lược của kẻ yếu thế về vốn.

Ngược lại, ở các thị trấn nhỏ như Ann Arbor, lượng vốn mà Sam Zell huy động được đã đủ để ông trở thành cá lớn ở thị trường này. Do không có đối thủ cạnh tranh lớn, nên tỉ suất sinh lời ở thị trấn nhỏ vượt trội so với thành phố lớn. Từ đó, Sam Zell phát triển luận đề đầu tư đầu tiên của mình: huy động vốn ở thành phố lớn với chi phí thấp, sau đó trở thành cá lớn ở các thị trấn nhỏ xung quanh để đạt lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, để vận hành được ở các địa phương nhỏ, cần một người đáng tin cậy để quản lí hoạt động tại đây, đó là lí do các nhà đầu tư ở Chicago trước nay thường bỏ qua các thị trấn nhỏ. Với mối quan hệ tốt đẹp ở quê nhà, Sam Zell trở thành cầu nối để thực hiện chiến lược “cá lớn ở ao nhỏ”. Về sau, Sam Zell đã thực hiện chiến lược này ở quy mô lớn hơn, thành lập mạng lưới gồm các đại diện đầu tư ở địa phương, sau đó huy động vốn toàn cầu để chớp lấy cơ hội ở từng địa phương ngay khi cơ hội bắt đầu lộ diện.

minh-hoa

 

Mô hình này hoạt động thế nào?

Mô hình mạng lưới nguồn lực thường bao gồm các “đại diện” ở mỗi địa phương để nhận diện cơ hội. Các đơn vị đại diện này thường có mối quan hệ hợp tác với mạng lưới của mình, và nhanh chóng thu hút vốn trong nội bộ mạng lưới khi phát hiện cơ hội. Ngoài ra, các đơn vị trong mạng lưới còn có thể tận dụng các nguồn lực khác, như nhân lực, vật lực, hay thậm chí công nghệ…

Mô hình này đã khá phổ biến ở tầm quốc tế, ở các công ty đa quốc gia hay trong ngành quản lí quỹ đầu tư. Chẳng hạn, Rocket Internet, công ty nổi tiếng về sao chép mô hình ở Đức, đã sử dụng công ty mẹ để làm kênh huy động nguồn vốn quốc tế cũng như mô hình mạnh mẽ đã được chứng minh ở các thị trường lớn, sau đó sử dụng đội ngũ địa phương để sao chép. Ở Việt Nam, có lẽ nổi tiếng nhất thuộc mạng lưới Rocket Internet chính là Lazada, về sau đã được bán cho Alibaba với giá 1 tỉ USD vào năm 2016.

Đối với các độc giả Việt Nam, có lẽ công ty sử dụng mạng lưới nguồn lực được biết đến nhiều nhất chính là Netflix. Tận dụng sự hiện diện toàn cầu, Netflix khai thác nguồn lực kịch bản và diễn viên ở các nước mạnh về điện ảnh, cũng như các nước có chi phí thấp, sau đó phân phối nội dung thành phẩm khắp mạng lưới toàn cầu. Nổi bật nhất có lẽ là Money Heist được sản xuất ở Tây Ban Nha, hay Squid Game ở Hàn Quốc.

Thực tế ở Việt Nam

Tuy phát triển mạnh mẽ bởi các công ty nước ngoài, nhưng mô hình mạng lưới nguồn lực có lẽ vẫn còn ở dạng sơ khai tại Việt Nam. Các công ty thường hiếm khi tận dụng nguồn lực địa phương, cũng ít khi liên kết với các công ty mạnh tại địa phương để tận dụng lợi thế của cả hai. Phương án thường thấy sẽ là công ty ở thị trường lớn tự mở rộng tại các địa phương nhỏ khi thị trường “sân nhà” đã bão hòa, xem địa phương nhỏ như là một phương án tạm thời trong quá trình chờ phát triển chiến lược, thay vì xem đó như là nhân tố chính trong chiến lược.

Các công ty du lịch ở Việt Nam đã sử dụng mạng lưới để phần nào tận dụng nguồn lực du lịch địa phương. Đã đến lúc các công ty có thể mở rộng mô hình này hơn nữa, để tất cả các nguồn lực khác có thể dịch chuyển từ nơi có đến nơi cần một cách hiệu quả trong mạng lưới, xây dựng nền tảng vững chắc để phục hồi sau đại dịch.

Lục Tiên