Ấn Độ đang nỗ lực đưa ra những biện pháp khôi phục lại việc sản xuất ô tô

Nỗ lực của Ấn Độ

Có thể thấy, việc chính phủ định hướng ngành công nghiệp ô tô là một trong những động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, giúp lĩnh vực này đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (bao gồm cả xe điện) và luôn đi trước đối thủ, các nhà sản xuất ô tô của Ấn Độ luôn nỗ lực nâng cấp dây chuyền sản xuất bằng việc số hóa và tự động hóa.

Cùng với đó, chiến lược “Make in India” được chính Thủ tướng Narendra Modi phát động đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là các hãng kinh doanh nước ngoài, trong đó có các nhà sản xuất ô tô quốc tế như Mercedes, Honda,…

Ngay lập tức, Ấn Độ trở thành điểm đến hàng đầu của nhiều nhà sản xuất ô tô đa quốc gia với tham vọng mở rộng kinh doanh ở châu Á.

Trong khoảng những năm 1992-1993, chính phủ Ấn Độ bắt đầu đưa ra Chương trình sản xuất theo giai đoạn (PMP) để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trong việc sản xuất các bộ phận ô tô.

Theo đó các nhà sản xuất ô tô tại Ấn Độ phải tăng tỷ lệ sử dụng các linh kiện được sản xuất trong nước nếu không sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu linh kiện 10%

Đây là một chiến lược có lợi cho Ấn Độ. Để né mức thuế này, các nhà sản xuất bắt buộc phải sử dụng các linh kiện từ các nhà cung cấp nội địa, hoặc các nhà sản xuất linh kiện bên ngoài bắt tay với các doanh nghiệp Ấn Độ thông qua việc chuyển giao công nghệ.

Chính vì vậy, các chuyên gia đánh giá, với thế mạnh truyền thống của Ấn Độ trong việc đúc, rèn, chế tạo (hàn, mài và đánh bóng) và gia công linh kiện có tỷ lệ chính xác cao, cũng như lợi thế về chi phí (lao động lành nghề chi phí thấp) và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể đã giúp ngành sản xuất ô tô của Ấn Độ phát triển mạnh mẽ.

Điều này đã dẫn đến kết quả, trong giai đoạn 2017-2018, Ấn Độ là nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư trên toàn cầu với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 29 triệu xe, trong đó có khoảng 4 triệu chiếc ô tô được xuất khẩu ra thị trường bên ngoài.

Theo thống kê của OICA6, ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ chiếm 4,92% sản lượng sản xuất xe hơi trên toàn cầu vào năm 2017, trong đó chiếm 5,38% sản lượng trong phân khúc xe hơi và 3,48% lượng sản xuất trong phân khúc xe thương mại. Đồng thời, Ấn Độ cũng là nhà sản xuất máy kéo lớn nhất thế giới, nhà sản xuất xe hai bánh lớn và xe buýt lớn thứ hai thế giới.

Sự đóng góp của khu vực này vào tổng GDP tăng từ 2,77% vào năm 1992 – 1993 lên đến khoảng 7,1% và chiếm khoảng 49% GDP sản xuất vào những năm 2015-2016, tạo ra hơn 29 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Doanh thu của ngành công nghiệp ô tô đạt 67 tỷ USD và của ngành sản xuất linh kiện lô tô là 43,5 tỷ USD.

Mặc dù vậy, trong năm vừa qua, doanh số bán xe tại thị trường Ấn Độ đã chứng kiến mức tụt giảm trong chín tháng liên tiếp. Cùng với đó một số nhà sản xuất ô tô bị giảm hơn 30% doanh thu trong những tháng gần đây do người tiêu dùng ít mặn mà với xe và sự siết chặt tín dụng từ phía ngân hàng khi nợ xấu tăng cao.

Sự kiện ra mắt 50 mẫu xe lần này được kỳ vọng sẽ khôi phục lại nền sản xuất của Ấn Độ. Các nhà môi giới cũng dự báo rằng doanh thu của ngành sẽ tăng hơn 50% trong năm tài chính 2020 và 2023.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là một trong ba phân ngành chủ chốt quan trọng. Đây cũng là ngành có yêu cầu rất cao về thương hiệu, công nghệ, thị trường và vốn đầu tư. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, năng lực sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn còn chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Đồng thời, với tình hình thuế xe nguyên chiếc nhập khẩu trong ASEAN về 0%, xe sản xuất trong nước đang rất khó khăn và không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, lĩnh vực sản xuất ô tô trong năm vừa qua có nhiều điểm sáng khi các nhà sản xuất nội đia tích cực gia nhập cuộc chơi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh và ngân hàng cũng bắt tay liên kết với nhau đưa ra những gói dịch vụ tài chính với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ khách hàng mua xe dễ dàng hơn, qua đó giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam

Với dân số trẻ thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; cơ sở hạ tầng ngày càng được mở rộng và phát triển. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để ngành công nghiệp ô tô nước nhà có cơ hội phát triển và cất cánh, nếu như có chính sách phát triển đúng đắn.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước trong việc điều chỉnh chính sách, mức thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ôtô điện (bao gồm cả chính sách cho người mua)…