Chuỗi siêu thị Big Lots của Mỹ vừa công bố mở văn phòng ở TP. HCM, mục tiêu là để “chộp” được các lô hàng giá hời một cách nhanh nhất. Các doanh nghiệp Việt có thêm một nơi để thanh lý hàng tồn kho.
Các văn phòng mua hàng quốc tế của Big Lots, bao gồm chi nhánh ở TP.HCM (Việt Nam), hứa hẹn là chiến lược then chốt để họ giảm thiểu chi phí và tìm thêm các nguồn hàng giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
Ngày nay, người tiêu dùng không phải là những người duy nhất đi săn lùng đồ hạ giá. Một chuỗi siêu thị lớn của Mỹ là Big Lots cũng đang có hẳn những chiến lược lớn và dài hơi để săn hàng giá rẻ tương tự. Họ thậm chí mở các chi nhánh ở nhiều nơi trên thế giới để mau chóng “chộp” được các lô hàng giá giảm một cách nhanh nhất có thể.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch kiêm CEO Bruce K. Thorn của Big Lots cho biết việc mở rộng nguồn cung ứng ra toàn cầu là chìa khóa để họ làm phong phú thêm chủng loại hàng hóa của mình, đồng thời giữ được thế mạnh về giá cả.
Hồi tháng 3, ông Thorn từng tuyên bố với các cổ đông rằng Big Lots đang dự tính tăng cường các mặt hàng giá hời lên đến 75% doanh số bằng cách “mua sản phẩm trực tiếp từ những nhà bán lẻ hoặc các đối tác có hàng tồn kho quá mức, cũng như thông qua các nguồn cung ứng trực tiếp từ các nhà máy trong và ngoài nước”.
Những văn phòng mua hàng quốc tế này đem đến cho Big Lots hai lợi ích lớn.
Thứ nhất là giảm thiểu chi phí. Khi dựa vào bên thứ ba để tìm nguồn cung ứng hàng hóa, Big Lots sẽ phải mất thêm phí hoa hồng. Đây không chỉ là là một khoản phí gia tăng, mà còn ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa mà họ bán ra. Khi mở văn phòng tự mua hàng, Big Lots nghiễm nhiên tránh được các khoản phí này.
Không chỉ vậy, các văn phòng mua hàng ở Châu Á còn giúp Big Lots kiểm soát tốt hơn và có tầm nhìn ổn định hơn, từ đó hợp lý hóa các quy trình và cải thiện tiêu chuẩn chất lượng.
Thứ hai, các văn phòng mua hàng quốc tế là chìa khóa để Big Lots xây dựng nguồn cung ứng giá rẻ ổn định tại các thị trường trọng điểm.
Big Lots phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. 90% hàng nhập khẩu của họ đến từ thị trường Đông Nam Á.
Ông Juan Guerrero, giám đốc chuỗi cung ứng tại Big Lots, cho biết rằng việc ở gần hơn với các nhà cung ứng quốc tế tại Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp Big Lots hành động nhanh hơn mỗi khi có cơ hội mua hàng giảm giá.
Ví dụ, mỗi khi nhà máy hoặc đối tác có sản phẩm dư nào đó cần bán nhanh, với lợi thế về địa lý, các văn phòng mua hàng có thể liên hệ trực tiếp và nhanh chóng với đối tác để mua những món đồ này.
Theo ông, những mặt hàng bị sản xuất vượt định mức hoặc thay đổi về bao bì là những thứ dễ dàng được mua với giá rẻ nhất.
Ví dụ, gần đây Big Lots đã mua toàn bộ hàng tồn kho của Hearthsong Toy, bao gồm 500 mã hàng với giá trị 22 triệu USD. Theo kế hoạch, họ sẽ bán những sản phẩm này với giá rẻ hơn 50% đến 70% so với giá trị ban đầu.
Các chuyên gia nhận định rằng các văn phòng mua hàng quốc tế không chỉ giúp Big Lots tìm kiếm nguồn cung ứng, mà đó còn là tiền đề để định hình và phát triển thị trường cung ứng, bao gồm mở rộng quy mô lẫn thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng.
Đánh giá về dự án văn phòng mua hàng quốc tế, Thorn cho biết những nỗ lực của đội ngũ tìm kiếm nguồn cung ứng đã giúp Big Lots mở rộng mối quan hệ với các nhà cung cấp, cũng như phát triển luồng giao dịch ổn định trong mô hình bán hàng giá rẻ của họ.
Cách tiếp cận này là sự mở rộng và điều chỉnh so với chiến lược mà Big Lots từng áp dụng năm 2010. Ở thời điểm đó, Big Lots phụ thuộc rất nhiều vào việc mua hàng tồn kho của những nhà cung cấp trong nước để tìm hàng giá rẻ.
Tuy nhiên 10 năm vừa qua, họ đã dần dần bổ sung hàng hóa từ việc nhập khẩu. Giờ đây, họ quay lại với phương án mua hàng tồn kho, nhưng với các nhà cung cấp quốc tế, chứ không chỉ gói gọn trong nước Mỹ. Và việc mở các văn phòng mua hàng nước ngoài là một trong những chiến lược trọng tâm cho cách tiếp cận này.
Với quy mô của Big Lots và sự hấp dẫn của thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt được hứa hẹn sẽ có thêm một địa chỉ tiềm năng để bán đi hàng tồn kho của mình.
Quân Bảo