Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 nghiêm cấm hành vi chiếm đoạt tài sản công. Vậy hành vi này bị xử lý thế nào?
1. Tài sản công là gì?
Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm:
– Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
– Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
– Tài sản công tại doanh nghiệp;
– Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước;
– Đất đai và các loại tài nguyên khác.
(Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017)
2. Chiếm đoạt tài sản công bị xử lý thế nào?
1. Xử phạt hành chính
– Phạt tiền đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) theo các mức phạt sau:
+ Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp chiếm đoạt trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
– Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;
+ Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.
(Điều 12 Nghị định 63/2019/NĐ-CP)
2. Xử lý hình sự
Người có hành vi chiếm đoạt tài sản công tùy vào hành vi cụ thể mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây: cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…
Ngoài ra, người có chức vụ, quyền hạn có hành vi chiếm đoạt tài sản công có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
LS Nguyễn Thụy Hân