Chiếc bút bi BIC rất bình thường, nhưng nó được coi là sản phẩm thành công nhất đã từng được sản xuất. Đó là một câu chuyện về Marcel Bich, “người cách mạng hóa việc viết lách trên toàn thế giới”.
Trên thực tế, bất kể bạn ở đâu trên thế giới, bạn sẽ tìm thấy chiếc bút này ở nhà, văn phòng, trường học và hầu như mọi nơi. Thiết kế mang tính biểu tượng này đã đến mọi ngóc ngách trên trái đất và tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn gần như chắc chắn đã từng sử dụng chiếc bút này.
Kể từ khi ra mắt vào năm 1950, hơn 100 tỷ chiếc bút này đã được bán ra trên toàn thế giới, đánh bại tất cả các sản phẩm bán chạy tiếp theo. Thật đáng kinh ngạc, thiết kế của nó về cơ bản vẫn không thay đổi trong hơn 70 năm qua và vẫn tiếp tục thống trị thế giới, với 14 triệu chiếc được bán ra mỗi ngày.
Tuy nhiên, tác động của cây bút này lên thế giới mới là điều vô cùng to lớn. Nó khiến cho giá những chiếc bút giảm và khiến cho tỷ lệ biết chữ tăng vọt, đó mới là những giá trị thực tế của nó mang lại.
Sự ra đời của bút bi
Trước đây, bút đắt tiền và khó sử dụng. Bút lông truyền thống thì bẩn và phải liên tục nhúng vào mực. Vì lý do này, việc viết lách được coi là một hình thức nghệ thuật, chỉ giới hạn ở những người có thể sử dụng bút.
Sau đó, bút máy đã được phát minh, có ngòi kim loại và có thể chứa mực bên trong ống đựng mực của bút. Mặc dù đây là một cải tiến, nhưng việc ngòi bút bị xước và không thể kiểm soát được dòng mực, đôi khi khiến mực đột nhiên chảy ra giấy. Trên hết, chúng vẫn cực kỳ đắt, có giá khoảng 150 USD theo giá hiện tại.
Và vào thời điểm đó, chỉ có khoảng 20% người trên thế giới có thể đọc và viết.
Vào cuối thế kỷ 19, một bước đột phá đã được thực hiện. Nhà phát minh người Mỹ John Loud đã nghĩ ra một cơ chế đưa mực vào trang giấy bằng một viên bi nhỏ thay vì ngòi bút mỏng. Về lý thuyết, điều này sẽ giúp mực được phân bổ đều hơn và không bị lem. Ông là người đã phát minh ra chiếc bút bi đầu tiên. Mặc dù thiết kế của ông hoạt động tốt trên các bề mặt cứng hơn như da và gỗ, nhưng lại quá thô trên giấy và do đó, bút của ông không bao giờ được bán. Nhưng quan trọng là, thiết kế của ông đã gieo mầm mống dẫn đến thành công của BIC sau này.
Nhiều thập kỷ trôi qua và nhiều thiết kế mới đã được tạo ra, nhưng không có thiết kế nào trong số chúng có thể làm chủ được bút bi. Chỉ đến khi Lazlo Biro xuất hiện, ông nhận ra rằng giải pháp nằm ở mực và những chiếc bút bi đầu tiên có thể hoạt động tốt trên giấy đã ra đời. Tuy nhiên, phát minh của Lazlo Biro đã tạo ra một cơ hội cho một người khác, người đó là Marcel Bich, người sau này được biết đến như là “người cách mạng hóa việc viết lách trên toàn thế giới”.
Cơ hội của Marcel Bich
Marcel Bich sinh ra tại Ý vào năm 1914. Khi còn nhỏ, gia đình ông chuyển đến Tây Ban Nha và sau đó là Pháp, nơi mà khi còn trẻ, Bich đã phục vụ trong Không quân trong Thế chiến thứ II.
Năm 1944, khi mới 30 tuổi, Marcel Bich đã mua một nhà máy ở Clichy, Pháp và thành lập doanh nghiệp với đối tác của mình, Édouard Buffard, sản xuất các bộ phận cho dụng cụ viết. Ban đầu, Bich rất hoài nghi về bút bi, vì cơ chế của bút bi vào thời điểm đó thường bị rò rỉ, cồng kềnh và cực kỳ đắt đỏ. Tuy nhiên, vào năm 1946, khi đang sử dụng xe cút kít của mình, ông nhận thấy rãnh mà bánh trước để lại trên mặt đất và nảy ra ý tưởng tạo ra một thiết kế bút bi cho phép người dùng hoàn toàn tự do di chuyển.
Sau khi nảy ra ý tưởng, Marcel Bich đã mua bằng sáng chế bút bi với giá 2 triệu đô la Mỹ từ Lazlo Biro, người đã sản xuất bút bi từ năm 1943 tại Argentina. Sử dụng các công cụ chế tạo đồng hồ và kiến thức của mình về cách thức hoạt động tinh vi hơn của các dụng cụ viết, Bich đã thiết kế đầu bút bằng thép không gỉ giúp chiếc bút lướt nhẹ, và đến năm 1950, chiếc bút BIC Cristal đã ra đời.
Thành công trên toàn thế giới
Marcel Bich có lẽ cũng không ngờ được rằng bước đi này có thể đem lại cho ông sự thành công tuyệt vời đến vậy. Chiếc bút bi đó là một thành công ngay lập tức, bán được khoảng 10.000 sản phẩm mỗi ngày tại Pháp trong năm đầu tiên. Marcel Bich nhận ra cách các quốc gia nói tiếng Anh phát âm tên của mình, vì vậy ông đã bỏ chữ “H” và cái tên Bic ra đời. Marcel Bich hiểu được tầm quan trọng của nền kinh tế quy mô và ông nhanh chóng mở rộng sang các châu lục khác, thành lập các nhà máy trên khắp thế giới.
Đến năm 1953, ông đã bán được 40 triệu cây bút mỗi năm và BIC Cristal đã chiếm lĩnh thế giới. Lúc bấy giờ, bất kỳ ai trên thế giới muốn viết hoặc vẽ đều có thể làm một cách dễ dàng với chiếc bút bi BIC. Tỷ lệ biết chữ tăng lên trên toàn thế giới và nhu cầu về một cây bút tốt đã tăng vọt. Trong vòng 50 năm tiếp theo, 100 tỷ cây bút này đã được bán ra và tỷ lệ biết chữ đã tăng vọt từ 35% lên gần 90% số người trên toàn cầu.
Thật khó có thể tưởng tượng cuộc sống ngày nay mà không có chiếc bút bi, và điều đặc biệt là thiết kế của nó gần như không thay đổi kể từ ngày đầu tiên cho thấy nó hoàn hảo đến mức nào. Sau này, khi Marcel Bich từ chức chủ tịch, ông được thay thế bởi con trai Bruno Bich, nhưng công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển mạnh mẽ, mở rộng hoạt động đến mọi ngóc ngách trên toàn cầu.
Nguyễn Chuẩn