Không thể phủ nhận, kể từ sau dấu mốc mở cửa du lịch vào 15/3/2022, du lịch Việt Nam đã phục hồi đáng kể, ghi nhận những thành tựu “vượt bậc”, đặc biệt là đối với du lịch nội địa.
Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới, cũng như trong khu vực.
Những thành tựu đáng ghi nhận
Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, trong năm 2022, hoạt động du lịch nội địa tăng trưởng vượt kỳ vọng, khi phục vụ 101,2 triệu lượt khách – cao hơn trước dịch.
Theo đó, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, không cần đợi tới sau 1 năm để nhìn thấy kết quả rõ rệt từ dấu mốc mở cửa du lịch hoàn toàn sau 15/3/2022 bởi ngay từ năm vừa qua, chúng ta đã đạt được sự tăng trưởng lên tới 8,02% – mức GDP cao nhất tron vòng 12 năm.
Mặc dù vậy, Việt Nam chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, cách khá xa so với chỉ tiêu đặt ra là 5 triệu lượt khách.
Hai tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, nhưng chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra đại dịch.
“Số liệu mới trong 2 tháng đầu năm cho thấy toàn ngành du lịch đang đáp ứng rất tốt với tốc độ tăng 3 lần so với mọi năm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy chúng ta có thể hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ có thêm động lực mới từ khu vực dịch vụ du lịch để không bị phụ thuộc vào nhu cầu đi du lịch đang bị “nén lại” trong nhiều năm.” – ông Nguyễn Tú Anh chia sẻ thêm.
Nhận định thêm về bức tranh du lịch Việt sau tròn 1 năm mở cửa, PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, dấu mốc mở cửa đã đem đến những kết quả tích cực vượt mong đợi và thúc đẩy sự phục hồi của toàn ngành Du lịch. Trước dấu mốc đó, chúng ta đã mở cửa và chào đón không chỉ du khách tới Việt Nam mà còn mở cửa chào đón các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
“Bên cạnh đó, sau dấu mốc đặc biệt này, chúng ta nhận thấy xu hướng đi du lịch trên toàn thế giới đã thay đổi. Người dân đã không còn lo ngại tới yếu tố lâu dài, họ lựa chọn tận hưởng và trải nghiệm du lịch nhiều hơn. Thứ hai, Việt Nam ngày càng chứng minh và thể hiện chúng ta là một điểm đến an toàn, hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ du khách trong nước và đặc biệt là du khách quốc tế. Đây chính là lợi thế, tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam trên bản đồ thế giới.” – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phân tích.
Tăng sức cạnh tranh thông qua “độ mở” của chính sách visa
Mới đây, Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ra mắt Sách trắng 2022 – 2023 với nội dung: “Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA”, trong đó nêu rõ: Chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi miễn thị thực. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm.
Từ phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch đã nêu ý kiến: Trong thời gian tới, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp du lịch trong thu hút khách quốc tế, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần có những chính sách kích cầu thiết thực. Đó là nới lỏng quy định về cấp thị thực (visa) cho du khách, mở rộng thời hạn và số lượng các quốc gia được miễn thị thực; đầu tư nâng cấp hơn nữa hạ tầng dịch vụ du lịch, tăng cường các chính sách kiềm chế lạm phát, bình ổn giá để giảm chi phí đầu vào, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Bởi lẽ, song song với chiến lược, chính sách du lịch vô cùng quan trọng. Ngoài chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế phục hồi hoạt động kinh doanh còn cần chính sách visa cạnh tranh, hấp dẫn khách quốc tế.
Ở Việt Nam, từ ngày 15/3/2022 khi mở cửa du lịch trở lại đã bắt đầu đầu áp dụng lại chính sách miễn thị thực Việt Nam song phương và đơn phương từ ngày 15/3/2022. Trong đó, công dân 12 quốc gia được miễn thị thực đơn phương; miễn thị thực song phương cho công dân 13 quốc gia, trong đó có 11 quốc gia châu Âu (thay vì 5 quốc gia trước đây). Việt Nam tiến hành cấp thị thực điện tử cho công dân khoảng 80 nước…
Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đã miễn visa cho rất nhiều nước. Ví dụ, Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước; Philippines miễn cho 157 nước; Thái Lan miễn cho 65 nước…
Mặt khác, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam (15 ngày), được cho là ngắn hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên). Đến thời điểm hiện tại, nhiều nước ASEAN đã tăng thời hạn miễn thị thực từ 30 ngày lên đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày để tạo cơ hội thuận lợi thu hút du khách quốc tế. Thời hạn miễn thị thực với khách quốc tế đến Việt Nam là 15 ngày, hơi ngắn so với các nước trong khu vực và chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là các thị trường xa như châu Âu, thường đi 3 – 4 tuần.
Do đó, đối với du khách từ các nước trong diện miễn visa, chúng ta rất cần kéo dài thời hạn lên mức tiêu chuẩn là 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Việc này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn hấp dẫn cả dòng khách thương mại, đầu tư mong muốn có chuyến đi dài ngày làm việc kết hợp du lịch.
Bên cạnh đó là cần miễn thị thực cho khách xuất nhập cảnh nhiều lần thay vì một lần như hiện nay; kéo dài thời hạn miễn từ 3 năm như hiện nay lên 5 năm để các đơn vị lữ hành, du lịch có thời gian xây dựng sản phẩm thu hút khách. Cùng với đó là chính sách miễn thị thực cho dòng khách du lịch ngắn ngày như khách MICE, khách du lịch golf…
Minh Châu