Để tham gia vào công nghiệp bán dẫn ngay và luôn, trước mắt Việt Nam cần khai thác hiệu quả lợi thế, thế mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Lịch – Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Bán dẫn được dự báo là công nghệ sẽ thay đổi và định hình lại thế giới. Những đánh giá từ các chuyên gia của những tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới về tài chính như Bloomberg, Wall Street… đều cho rằng quy mô thị trường bán dẫn dự kiến sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Hiện nay, các quốc gia đang cơ cấu lại vị trí trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy tham gia sau nhưng Việt Nam đang nỗ lực để có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và thu hút nguồn vốn nước ngoài (FDI) đầu tư cho công nghiệp bán dẫn.
Theo các chuyên gia trong ngành, so với một số quốc gia công nghệ khác như Ấn Độ, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn về vị trí chiến lược khi thời gian di chuyển bằng đường hàng không đến các thị trường lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) hay các thành phố lớn khác của Trung Quốc chỉ mất từ 2-5 giờ đồng hồ, thuận tiện cho việc vận chuyển chip.
Tuy nhiên, thị trường bán dẫn cũng cạnh tranh khắc nghiệt, công nghệ bán dẫn đòi hỏi đầu tư lớn trong khi các nước dành nhiều ưu đãi về nguồn lực tài chính để thu hút đầu tư. Với nguồn lực còn hạn chế, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp định hướng tập trung phát triển trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn và đóng gói kiểm thử sản phẩm. Phần sản xuất chip bán dẫn đòi hỏi nhiều nguồn lực mà Việt Nam chưa có điều kiện cạnh tranh.
Đặc biệt, nhân lực và nhân tài đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp cao và siêu cao như bán dẫn. Nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá cao bởi lợi thế về năng lực STEM, lực lượng dồi dào các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số…
Ông Nguyễn Khắc Lịch cho rằng, Việt Nam đã sẵn sàng tham gia công nghiệp bán dẫn từ đội ngũ nhân lực với 2 “keyword” quan trọng là đào tạo lại (reskill) và đào tạo nâng cao (upskill) để nắm bắt nhanh chóng cơ hội chuyển dịch trên thế giới diễn ra trong thời gian ngắn.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia – NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm, để đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trên cơ sở phối hợp các trường đại học, doanh nghiệp đánh giá khả năng và cơ hội thì nhận thấy, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trên.
Cách thức triển khai ưu tiên đào tạo chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành gần sang bán dẫn. NIC phối hợp các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đào tạo chuyển đổi từ 3 – 4 tháng. Qua một số khoá đào tạo, nhiều nhân lực đã được các tập đoàn nhận làm ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các trường tổ chức đào tạo kỹ sư từ bậc đại học trong 5 năm tới.
Cùng với đào tạo kỹ sư, NIC đang phối hợp với các tập đoàn, trường đại học đào tạo đầu tư “máy cái” – giảng viên chất lượng để tiến tới đào tạo nhân lực có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.
Cùng với đào tạo, Việt Nam cũng sẽ xây dựng cơ chế thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử trong và ngoài nước; nâng cao kết nối chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế để hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. Đồng thời, phát triển các trung tâm dữ liệu, hệ thống siêu máy tính phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử và các công nghệ số mới, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…