Toàn cầu hóa cho thấy nhiều quốc gia tiếp cận với thái độ tuyệt đối hóa kinh tế, kỹ thuật đang thất bại.
Tình trạng tự tử gia tăng ở Hàn Quốc, robot hóa con người ở Nhật Bản, lười sinh sản ở Bắc Âu, ô nhiễm môi trường ở Ấn Độ, Trung Quốc, chiến tranh đẫm máu ở Trung Đông… chắc chắn khoa học, kỹ thuật không thể nào giải quyết.
Lại phải nói về nước Mỹ, từ khi tỷ phú D. Trump trở thành Tổng thống, cả thế giới đi từ bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác.
Đang bon bon trên con đường đa phương hóa – toàn cầu hóa bỗng dưng rẽ ngoặt trở về đơn phương, “Nước Mỹ trên hết” là như thế.
Người Mỹ khiến cho tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) – vốn là biểu tượng của toàn cầu hóa trở nên lạc lỏng, bấtlực trước cuộc đấu tay đôi của các cường quốc, Mỹ, Trung, Nga.
Hàng loạt Hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực hẹp được hối hả đốc thúc ký kết. Chiếc bàn tròn bình đẳng dường như bị thay thế bởi chiếc bàn hình chữ nhật mà cái ghế đặt ở cạnh ngắn là biểu trưng của kẻ cường quyền.
Từ góc độ của một nước nhỏ, kiên định và háo hức với toàn cầu hóa từ khi mở cửa, liệu chúng ta có băn
khoăn, dao động? Phải chăng, toàn cầu hóa đã đến lúc chỉ còn là khẩu hiệu cửa miệng? Thay vào đó là chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương hóa lên ngôi?
“Con người đang rất cần triết học để sống chậm lại, nghĩ kỹ hơn, hành động chính xác hơn. |
Con người cần được trang bị thế giới quan, nhân sinh quan duy vật, phương pháp luận biện chứng để có thể nhìn xuyên qua hiện tượng, nắm lấy bản chất; từ vô vàn cái ngẫu nhiên rút ra quy luật của sự vận động.
Từ đó mới trả lời được câu hỏi: Nhân loại cần toàn cầu hóa hay đơn phương hóa. Ta cần làm gì và làm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Hãy nhìn vào thương chiến Mỹ – Trung, có vẻ là do thâm hụt thương mại, sở hữu trí tuệ? Đúng nhưng chưa phải là đủ, nếu không có lăng kính toàn diện, biện chứng, đối chiếu, so sánh, chắt lọc thì không thể biết tảng băng chìm đồ sộ dưới phần nổi.
Và kể cả khi toàn cầu hóa diễn tiến đúng với nội hàm của nó sẽ đặt ra vô vàn vấn đề cần nhận thức và giải quyết. Biến động xã hội dồn dập xảy ra làm cho có những cái tưởng như hết sức vững chắc bỗng đột ngột sụp đổ; cái mới có khi chưa kịp phát huy tác dụng, thậm chí chưa định hình rõ rệt, thì lại đã có những cái mới hơn nảy sinh bổ sung hoặc chực chờ để thay thế.
Trước nguy cơ bệnh tật, ô nhiễm môi trường, tụt hậu, vệnh mệnh dân tộc bị đe dọa, làm sao để chung sống chan hòa với thiên nhiên, phát triển mà không gây tổn hại cho muôi loài; làm sao để các dân tộc, quốc gia xích lại gần nhau, bớt xung đột tàn sát lẫn nhau?
Hẳn nhiên, khoa học và công nghệ sẽ là lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhưng nếu cho rằng, khoa học và công nghệ có thể giải quyết mọi vấn đề phát sinh hiện nay là nhận định nông cạn. Con người đang rất cần triết học để sống chậm lại, nghĩ kỹ hơn, hành động chính xác hơn.
Chỉ đơn cử một việc, muốn đánh giá tình hình thế giới để đưa ra mức tăng trưởng kinh tế trong một năm làm mục tiêu phấn đấu, nhiệm vụ này rất cần sự tham gia của triết học.
Cần phải phân tích, dự báo tình hình quốc tế, nhìn lại quá khứ, và không thể không dựa vào sự biến động đa chiều của tình hình toàn cầu hóa. Song, nếu dữ liệu không được hệ thống hóa, chọn lựa sẽ gây rối loạn.
Khác với việc rút kinh nghiệm thông thường, triết học đưa ra các khái quát chung hơn, bao quát hơn, sâu sắc hơn, rút ra bản chất từ muôn vàn hiện tượng, rút ra cái đặc thù của thời đại, đặc thù của riêng chúng ta; tìm ra nguyên nhân cơ bản chi phối cả quá trình.
Sở dĩ triết học có thể làm được nhiệm vụ này là bởi bản thân nó có bộ “công cụ” gọi là phương pháp luận và thế giới quan, cô đọng trong các nguyên lý, quy luật, phạm trù. Ở đó sẽ cho chúng ta biết như thế nào là nguyên nhân, kết quả, hiện tượng, bản chất, quy luật, tất yếu, ngẫu nhiên…
Một trong những nguy cơ của toàn cầu hóa là bị hòa tan, mất bản sắc dân tộc, mai một cốt cách truyền thống. Phải nói rằng, khoa học tự nhiên không thể giúp vấn nạn này dừng lại, mà chỉ có triết học, khoa học xã hội mới làm nổi. Bởi lẽ các nghiên cứu của nó là quá trình đúc rút, so sánh, đối chiếu, chắt lọc, khi được thừa nhận tức là nó mặc nhiên trở thành hồn cốt.
Cũng như vậy, dẫu người Mỹ còn lãnh đạo thế giới bao lâu chăng nữa, khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” còn tồn tại trăm năm nữa vẫn không thể đảo ngược dòng chảy chung – toàn cầu hóa. Vì nó thuộc về bản chất, tất yếu và khách quan triết học