Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Đi lên chủ lực từ mảng nông sản chế biến sấy khô, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho rằng, công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng, thậm chí là chìa khoá cho doanh nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh hiện tại.
Cùng với công nghiệp chế biến, khâu bảo quản cần ưu tiên trước tiên. Bởi nếu không có khâu này sẽ không có được các công nghệ phía sau. Cái cuối nguồn đầu tư khá tốt nhưng đầu nguồn lại đang là zero (0) thì cũng không đem lại hiệu quả.
Tại các địa phương, vùng sản xuất lớn vẫn chưa có những kho lưu trữ đầu nguồn nên khi có trở ngại về thị trường là bế tắc. Nếu đầu nguồn có các trung tâm phân loại, sơ chế tốt thì việc tương tác với thị trường để lưu kho, lưu trữ sẽ rất dễ dàng.
Các nước sản xuất nông sản lớn luôn có hệ thống trung tâm sơ chế đầu nguồn để làm bước hàng rào trước khi đi vào thị trường. Hàng rào đó là để ngăn chặn các thương gia, đội buôn, thương buôn… Các đơn vị thương mại phải tới trung tâm đó và họ sẽ được cung cấp các sản phẩm phù hợp.
Các trung tâm này sẽ quản lý vùng trồng, truy suất nguồn gốc… Khi nông sản qua trung tâm này sẽ có một mức giá công bằng, hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, các doanh nghiệp lớn có thể nói dư tiền để đầu tư. Chuyện đầu tư không còn là chuyện bí mật, họ sẵn sàng đầu tư nếu thị trường có nhu cầu.
Điển hình Vinamit, mỗi năm đầu tư từ 1 – 5 triệu USD về công nghệ thiết bị, chưa kể đầu tư cho vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp luôn chủ động đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường, nhất là công nghệ mới để sản phẩm được tự nhiên mà không cần phải sử dụng chất bảo quản.
“Nhu cầu thị trường ngày càng phát triển thì doanh nghiệp phải đi trước một bước. Nếu doanh nghiệp không tự nâng cao thì chỉ một thời gian sẽ bị thụt lùi. Đây là điều doanh nghiệp luôn phải làm và làm theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nguyễn Lâm Viên chỉ ra.
Tuy nhiên, thực tế, lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 – 10% sản lượng hằng năm. Các sản phẩm như mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên gây ra nhiều tổn thất sau thu hoạch.
Cùng với đó, bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng dao động từ 10 – 20%. Cơ sở vật chất như: phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn.
Trong khi đó, Chính phủ đã “đặt hàng” với ngành nông nghiệp đến năm 2030 là nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới. Trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu.
Theo đó, tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm, tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên.
Đặc biệt, trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến, xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.
Do đó, để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Bộ NN&PTNT đề xuất rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế.
Cùng với đó, đầu tư mạnh để phát triển sản xuất, chế biến những ngành hàng nông lâm thuỷ sản còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế và những ngành hàng có tỷ lệ nông sản được đưa vào chế biến còn thấp như: các loại rau quả, thịt, trứng… Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm.
Về chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề xuất nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng cho công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản.
Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phát triển các công ty, tập đoàn tư nhân lớn về chế biến – kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản có thương hiệu nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế.
Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân. Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền, ngành hàng.
Về đất đai, xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến.
Về thương mại, hội nhập, Bộ NN&PTNT đề xuất triển khai công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế.