Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bưởi Phúc Trạch Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông đặc sản địa phương tại thị trường trong nước trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 31/8.

BI-PHUC-TRA.CH-2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá, Hội nghị này vừa ý nghĩa kịp thời xúc tiến tiêu thụ nông sản tới vụ trong trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vừa hiện thực hoá Chủ trương của Đảng, Chính phủ tại Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Quyết định số 645/TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia, Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chuyển đổi số quốc gia. “Theo đó càng khẳng định, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực ưu tiên, giữ vai trò tiên phong của nền kinh tế số”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.

Với sự chung tay, chung sức của các cơ quan Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tin tưởng rằng trái Bưởi Phúc Trạch của tỉnh Hà Tĩnh sẽ có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố, có mặt trên các kệ hàng ở hệ thống các Siêu thị, các Chợ, hay trên các gian hàng của Sàn thương mại điện tử và được chuyển tới được tay của người tiêu dùng Việt thuận lợi.

Để Bưởi Phúc Trạch hay các sản phẩm nông sản của Hà Tĩnh mở rộng được kênh tiêu thụ trong giai đoạn dịch bệnh, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã hay các hộ nông dân của tỉnh Hà Tĩnh cần chủ động hơn nữa.

Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng thương mại điện tử, các giải pháp chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chuyển đổi mô hình quản lý và tiêu thụ sản phẩm, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Với sự đồng hành của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành trung ương, cùng các Sàn thương mại điện tử  Voso, Sendo, Shopee, Postmart, Tiki, Lazada và các đối tác vận hành thương mại điện tử, các Tập đoàn phân phối bán lẻ lớn trong nước như Saigon Satra, Vinmart, Big-C/Go, Mega Market, BRG, Aeon, Lotte, Saigon Coop…

Cùng với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, với doanh nghiệp, hợp tác xã và chính với những người nông dân trồng Bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh, cùng chung tay, chung sức để đưa Bưởi Phúc Trạch – đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh đến khắp mọi miền của đất nước và hứa hẹn sẽ xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong thời gian sắp tới.

Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021 tổng diện tích trồng bưởi tại 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch là 2.593 ha, trong đó có 1.777 ha bưởi thời kỳ kinh doanh (cho quả); 160 doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác và gần 2.800 hộ sản xuất; tổng sản lượng trên 21.000 tấn, năng suất đạt trên 12 tấn/ha.

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để mở rộng diện tích, tăng năng suất nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (tưới tiết kiệm, thụ phấn nhân tạo…).

BI-PHUC-TRA.CH-1

Bưởi Phúc Trạch được công nhận là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ.

Đồng thời chú trọng sản xuất sản phẩm sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, GlobaGAP, hữu cơ), nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh thông qua việc thành lập các tổ chức sản xuất như THT, HTX, doanh nghiệp.

Bưởi Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi”, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (Quyết định số 2180/QĐ-SHTT ngày 9/11/2010 của Cục Sở hữu trí tuệ). Đây cũng là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020.

Được biết, mùa Bưởi Phúc Trạch năm nay có ý nghĩa lớn khi lần đầu tiên được Sở Công Thương Hà Tĩnh cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kết nối và tổ chức phân phối thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các Sàn thương mại điện tử lớn.

Như Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada hay Hatiplaza hoặc thông qua sự hỗ trợ từ các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm của I-check và giải pháp tài chính số từ Ngân hàng VPBank.

Thời gian qua, huyện Hương Khê cùng với ngành Công Thương, Nông nghiệp, Hội nông dân của tỉnh đã nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số mô hình sản xuất và kinh doanh đối với cây bưởi Phúc Trạch, tạo điều kiện cho người dân tổ chức bán hàng nông sản và tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số.

Bên cạnh đó tỉnh, huyện còn tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, HTX đi đến các địa phương khác để tiêu thụ bưởi theo quy định.

Thực tế, thương mại điện tử đang là một phần trong những nỗ lực lớn của Việt Nam nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân đều nhận được những lợi ích và được chia sẻ những cơ hội từ thương mại điện tử.

Đồng thời góp phần hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản và đặc sản địa phương.

Nguyễn Việt