Châu Âu đang tìm cách cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phần lớn nhiệm kỳ đã thể hiện giọng điệu gay gắt đối với Trung Quốc, khi gọi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là đối thủ nặng ký nhất của Mỹ. Đối thoại ngoại giao giữa hai bên đã trở nên căng thẳng hơn vào đầu năm nay khi Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng khinh khí cầu do thám để thu thập thông tin tình báo từ các địa điểm quân sự của Mỹ.

“Lập trường chính sách diều hâu của Mỹ đã góp phần thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh cải thiện quan hệ với châu Âu để giảm thiểu tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Do đó, Trung Quốc đã có nhiều động thái tích cực để nỗ lực cải thiện quan hệ với EU”, bà Anna Rosenberg, Trưởng bộ phận địa chính trị tại Viện Amundi, trao đổi với CNBC qua email.

Các quan chức ở châu Âu đã áp dụng cách tiếp cận hơi khác so với chính quyền Biden khi EU thể hiện muốn có lập trường mềm mỏng hơn và nhận thấy tầm quan trọng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế châu Âu. Dữ liệu từ văn phòng thống kê của Châu Âu cho thấy Trung Quốc là quốc gia mua hàng hóa lớn thứ ba của Châu Âu trong năm 2021.

Bên cạnh đó, châu Âu có mối quan hệ kinh tế bền chặt với Trung Quốc hơn so với Mỹ. Theo thống kê của Ngân hàng Morgan Stanley, khoảng 8% doanh thu của các công ty châu Âu đến từ Trung Quốc, nhiều hơn so với 4% của các công ty Mỹ. Châu Âu và Châu Mỹ có tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa tương tự sang Trung Quốc (7-9%), nhưng do châu Âu là nền kinh tế thâm hụt thương mại nhiều hơn nên độ nhạy cảm cao hơn.

Tỷ lệ giao thương với Trung Quốc của sáu “ông lớn” châu Âu đã chiếm 5,6% tổng GDP của họ, tăng từ mức 3,9% trong năm 2011. Con số này cao hơn Mỹ (4,2%). Trong đó, Ý và Tây Ban Nha chỉ ở mức 1-2%, Pháp và Anh ở mức 4-5%. Đức là một ngoại lệ lớn khi con số này đạt mức 9,9%.

Ông Jacob Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định, EU đang ở trong một tình thế rất khác so với Mỹ. “Nhìn từ Trung Quốc, EU là thị trường thu nhập cao quan trọng nhất mà Trung Quốc vẫn có khả năng tiếp cận mà không gặp nhiều rào cản. Điều này khiến khả năng Trung Quốc sẽ chủ động hạn chế thương mại với EU thấp hơn rất nhiều”, ông Kirkegaard nói, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc có khá nhiều thứ để mất từ cuộc chiến thương mại với EU.

Mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong những tháng gần đây đã thúc đẩy chính sách giảm thiểu rủi ro từ Bắc Kinh, bao gồm giảm sự phụ thuộc vào nước này trong các lĩnh vực quan trọng như nguyên liệu thô và chất bán dẫn. Nhưng các quan chức châu Âu không ủng hộ việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc.

“Nhu cầu giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ giữa EU-Trung Quốc hoàn toàn khác với quan hệ Mỹ-Trung. Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng, EU là đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với cả hai – điều này mang lại cho EU những lợi ích chính trị đáng kể so với cả Bắc Kinh và Washington”, chuyên gia Kirkegaard đánh giá.

Mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc của 6 nền kinh tế lớn nhất châu Âu (Big 6), Anh, Mỹ và một số nước.

Tuy nhiên, chuyên gia Alicia García-Herrero, một thành viên cao cấp tại tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel, cho biết châu Âu có thể thấy khối đang bị “kẹt” trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung. “Có khả năng Washington và Bắc Kinh đều tìm đến châu Âu để tìm kiếm các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, bà nhận định.

Chuyên gia này chỉ ra, Trung Quốc đang thực hiện nhiều hành động trả đũa châu Âu theo nhiều cách và cảm giác rằng châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh nhận thức được đòn bẩy trong vấn đề năng lượng xanh và hợp tác chống biến đổi khí hậu khi châu Âu đang tìm cách phát triển một nền kinh tế bền vững hơn.

Trước bối cảnh nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ phải nỗ lực xoay xở để cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc thì mới phát triển ổn định trong dài hạn.

Cẩm Anh