Không chỉ tại Ấn Độ, các quốc gia đang phát triển khác ở châu Á đang phải hứng chịu làn sóng Covid-19 mới.
Dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn. Trong 1 tuần qua, tổng số ca nhiễm tăng tới 7%. Trong 24 giờ qua, Indonesia, Philippines và Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 4.700 ca đến 7.200 ca.
Tính đến ngày 4/5, tâm điểm dịch trên thế giới vẫn là Ấn Độ với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua vẫn ghi nhận ở mức rất cao – hơn 355 nghìn ca, chiếm hơn 53% tổng số ca mắc mới của toàn thế giới. Tại Lào, Bộ trưởng Y tế đã săn lùng thiết bị y tế, vật tư và thuốc điều trị khi ca nhiễm tăng gấp hơn 200 lần trong một tháng.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng đang chịu áp lực lớn ở Thái Lan, nơi 98% ca mới là do biến thể dễ lây lan hơn. Một số quốc đảo Thái Bình Dương bắt đầu phải đối mặt với làn sóng Covid-19 đầu tiên.
Có thể thấy, việc nhiều quốc gia tại châu Á ghi nhận mức tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19 đang báo hiệu nguy cơ tiềm ẩn, có thể dẫn tới mất kiểm soát nếu các chính phủ không nâng cao các biện pháp kiểm soát và phong tỏa.
Các chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng Covid-19 tại châu Á đang đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ để hạn chế thiệt hại về người và tạo điều kiện phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Theo David Heymann, giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, những con số thống kê không phản ánh toàn bộ mức độ của cuộc khủng hoảng. Khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng, đồng nghĩa với việc tình trạng suy thoái kinh tế đang xảy ra trầm trọng hơn khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và làm gia tăng bất bình đẳng.
“Châu Á chủ yếu là các quốc gia đang phát triển. Do đó đối mặt với một cú sốc đột ngột như Covid-19, nhiều nước sẽ rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương và nhanh chóng rơi vào suy thoái do hệ thống y tế không đủ sức chống chọi”, ông phân tích.
Bên cạnh đó, các biến thể nguy hiểm sẽ phát triển, lây lan và có thể trốn tránh vắc-xin trong điều kiện nguồn cung còn thiếu hụt và virus đang hoành hành. Điều này có thể gây ra mối đe dọa ngay cả đối với các quốc gia như Hoa Kỳ, nơi 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Chính vì vậy, Michael Diamond, chuyên gia về virus tại Đại học Washington ở St. Louis nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai tiêm vaccine tại các quốc gia như Ấn Độ bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.
Khi số ca dương tính giảm mạnh và chương trình tiêm chủng được triển khai, người dân ở Ấn Độ đã ngừng tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Chính sự nóng vội của người dân để trở lại với nhịp sống bình thường đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Mặt khác, việc đẩy nhanh quá trình giải trình tự gen của các mẫu biến chủng SARS-CoV-2 cũng sẽ góp phần giúp các quốc gia đối phó tốt hơn đối với các biến thể mới khi virus đột biến thông qua việc điều chỉnh lại các loại vắc xin đang được lưu hành trên toàn cầu. Các dữ liệu quan trọng này cũng cần được chia sẻ để cho phép các chính phủ cập nhật các chiến lược chống virus dựa trên các biến thể mới một cách nhanh chóng hơn.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với làn sóng COVID-19 mới, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, thúc đẩy kế hoạch tiêm phòng là những ưu tiên tối đa của các quốc gia châu Á nhằm ngăn dịch bệnh trở nên mất kiểm soát. Cùng với đó, các quốc gia phát triển cần đóng góp để đảm bảo việc chia sẻ vắc xin, kit xét nghiệm và vật tư y tế công bằng hơn trên toàn cầu, đặc biệt là cho các nước đang và kém phát triển.
Cẩm Anh