Cho đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đang có những biến chuyển phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới.
Hiện nay, châu Á đang đón nhận một số tín hiệu tích cực về cuộc chiến chống COVID-19. Trung Quốc (hôm 9/3) thông báo nước này chỉ có thêm 44 ca nhiễm mới, giảm từ 99 ca của một ngày trước đó.
Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày thấp nhất tại Trung Quốc kể từ khi giới chức nước này bắt đầu công bố số liệu vào tháng Một.
Cùng với đó, Trung Quốc đã đóng cửa 11 trong số 16 bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán và một bệnh nhân 100 tuổi nhiễm COVID-19 nặng đã phục hồi và được phép xuất viện sau 13 ngày điều trị.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được chữa khỏi. Theo giới chức Trung Quốc, những tín hiệu tích cực nêu trên đã cho thấy, quốc gia này bước đầu đã kiểm soát được dịch bệnh, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Thêm một tín hiệu lạc quan mới từ Hàn Quốc cũng cho thấy nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 đang tiến triển tốt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KCDC) của quốc gia này cũng đưa ra thông báo 367 ca nhiễm mới vào ngày hôm qua.
Đây cũng là số ca nhiễm mới trong một ngày thấp nhất tại Hàn Quốc kể từ ngày 26-2 và cũng là lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày dưới mốc 400.
Không chỉ nỗ lực phòng chống dịch bệnh, nhiều quốc gia châu Á cũng đã đạt được những tiến bộ tích cực trong việc nghiên cứu và điều chế các loại vắc xin.
Các nhà nghiên cứu của Israel đang nghiên cứu một loại vaccine phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Nghiên cứu của BIU cũng góp phần tìm ra các nhân tố giúp ngăn chặn lây nhiễm.
Mặc dù số liệu có thể biến động khi tiến hành thêm các cuộc xét nghiệm, nhưng các chuyên gia đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy dịch bệnh đang có dấu hiệu chững lại tại khu vực châu Á và các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch chuẩn bị cho việc tái hoạt động sản xuất trong thời gian tới.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang chứng kiến sự ran lộng của dịch bệnh. Mức độ lây lan của dịch COVID-19 ở các nước phương Tây đang tăng gấp 5-10 lần tại Ý, “tâm dịch” của khu vực châu Âu, hơn 1.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào 2 tuần trước.
Số người thiệt mạng vì COVID-19 tại Ý cũng đã tăng thêm 36 người lên tổng số 233, trong khi số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt tăng lên 567 người, tăng thêm 23% so với thời gian đầu.
Hồi cuối tháng Một, Mỹ ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên. Nhưng chỉ chưa đầy 2 tháng sau đó, số ca nhiễm lên tới 400 người, ở trên 33 bang, 21 người đã thiệt mạng.
Hàng loạt khu vực đã ban bố trình trạng khẩn cấp, trong đó có các bang đông dân như New York, California, San Francisco vì lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Như Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, diễn biến này đang gây quan ngại sâu sắc. Việc châu Âu và nước Mỹ chưa sẵn sàng cho đại dịch COVID-19 đã góp phần làm dịch bệnh này lan rộng hơn.
Cụ thể, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bệnh viện của Mỹ không đủ khả năng tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn và cách ly họ.
Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng, một trong những nguyên nhân là việc thời gian đầu các quan chức quá tập trung theo dõi các du khách hoặc công dân châu Á trở về từ vùng dịch trong khi các cơ sở y tế không chuẩn bị cho kịch bản COVID-19 lan rộng đã gây ra sự lúng túng.
Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt khẩu trang, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế và máy thở cho các ca bệnh nặng, đẩy các bệnh viện và các cơ sở y tế công cộng gặp khó. Thiếu số liệu thống kê đáng tin cậy về mức độ lây lan của dịch bệnh cũng khiến công tác phòng chống dịch không hiệu quả.
WHO nhấn mạnh rằng, không có một lời giải chung nào cho tất cả các quốc gia cùng áp dụng trong phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu và châu Mỹ có thể áp dụng lệnh phong tỏa các vùng tâm dịch. Đây là những biện pháp duy nhất hiện chứng minh tính hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan ở người.
Mặt khác, những biện pháp như không tập trung nơi công cộng, làm việc tại nhà, thay đổi giờ lưu thông bằng phương tiện công cộng, hoãn các sự kiện đông người có thể giúp hạn chế dịch bệnh đạt đỉnh lây lan, đảm bảo phù hợp với bản chất bùng phát dịch tại từng quốc gia khác nhau.