Đại dịch COVID-19 được xem như “chất xúc tác” để thúc đẩy kinh tế số, góp phần tạo ra những cơ hội mới phù hợp cho các doanh nghiệp.
Bài toán đặt ra là làm sao để nền kinh tế vẫn phát triển ổn định khi tất cả không còn tồn tại ở trạng thái quen thuộc?
Xu thế tất yếu
Đại dịch COVID-19 đã khiến thanh toán tiếp xúc giảm mạnh. Trước thực trạng này, Mastercard và Visa đã tiếp xúc với hàng chục chính phủ để triển khai thanh toán “một chạm” không dùng tiền mặt.
Thanh toán phi tiền mặt giúp hạn chế tiếp xúc, đi lại. Vậy làm sao để công việc vẫn trôi chảy? Công nghệ điện toán đám mây sẽ giải quyết vấn đề này. Nhu cầu về các công cụ hội họp trực tuyến như Zoom, Slack… đều tăng trưởng mạnh chưa từng có. Các công cụ văn phòng như Microsoft 365… cũng ghi nhận nhu cầu tăng cao. Điểm chung là những công cụ này đều dựa trên nền tảng đám mây.
Tất cả những biểu hiện trên cho thấy kinh tế số là xu thế tất yếu sẽ diễn ra, dẫn dắt kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Dĩ nhiên, kinh tế số cũng làm thay đổi tính chất, kết cấu của mọi doanh nghiệp.
Trong xu hướng này, ai nắm được công nghệ lõi thì sẽ chi phối thế giới. Không phải ai khác mà chính Mỹ mới đủ điều kiện làm điều này. Đơn giản, Mỹ đã thống trị toàn cầu về sản xuất chip dùng cho mọi thiết bị điện tử.
Tìm cơ hội cho nước nhỏ
Thực tế chứng minh, với các nước nghèo trông chờ vào chuyển giao công nghệ để đuổi kịp các nước giàu là điều không tưởng. Chỉ còn cách là tự sáng tạo, đổi mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore từng làm. Song, đó chỉ là mấy trường hợp “xưa nay hiếm”.
COVID-19 đã làm phân rã chuỗi cung ứng cũ theo hướng phân chia, giãn cách, không tập trung. Biểu hiện của nó là các đại công ty bắt đầu tính toán chuyển một phần sản xuất ra khỏi “công xưởng toàn cầu”- Trung Quốc. Nước nào có chính sách tốt, thể chế minh bạch, chất lượng lao động cao sẽ chiến thắng trong thu hút đầu tư.
Việt Nam là một trong những điểm đến khá hấp dẫn ở Châu Á, những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon… đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Cố nhiên, bản thân các doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19 cũng không còn tồn tại theo phương cách cũ. Vậy, chính bản thân các nước nhỏ cũng phải đẩy mạnh phát triển kinh tế số nếu muốn làm điểm đến cho dòng vốn FDI. Đó là gì? Là hạ tầng số, dữ liệu lớn, logictics điện tử,…
Nếu chúng ta muốn thúc đẩy nền kinh tế số phát triển thì có thể phải chấp nhận một phần nào đó thất thoát ngân sách do không thu được thuế, nhưng đây có thể được xem như một phần chi phí của việc tiếp cận với công nghệ mới, hòa nhập với thế giới hơn là một khoản thua lỗ của quản trị tài chính công.
Tiếp cận vấn đề như vậy là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trương Khắc Trà