Trong môi trường phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế ngày nay, chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia nhận định, chất lượng sản phẩm đang là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng cho việc đẩy mạnh quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế và mở rộng trao đổi thương mại quốc tế của các doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI cho biết, theo nhiều nghiên cứu thị trường tại các nước, xu hướng người tiêu dùng bị tác động tích cực từ thương hiệu hơn là nguồn gốc sản phẩm, vì vậy chất lượng được đặt cao hơn xuất xứ.
Bà Hương lấy dẫn chứng cụ thể, tại Mỹ 2/3 dân số sẵn sàng trả cao hơn cho các sản phẩm “Made in America” như quần áo, sữa… Hay là một nghiên cứu khác ở EU cho thấy 65% người tiêu dùng sẵn sàng trả cao hơn với thương hiệu của họ hơn có xuất xứ từ nước ngoài.
Dưới góc độ là một người tiêu dùng, luật sư Trần Ngọc Trung – Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie cho rằng, việc sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ở đâu không phải là vấn đề thực sự lớn mà quan trọng là chất lượng của nó. Ngày nay, sản phẩm “Made in” tại đâu cũng chỉ là thông tin tham khảo, còn chất lượng mới là yếu tố cốt lõi để kéo người dùng cũng như giá trị chính để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.
Như vậy, “thay vì quản lý về xuất xứ, thì các cơ quan chức năng nên tập trung vào việc quản lý chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm và thương hiệu quốc gia không bị ảnh hưởng” ông Trung chia sẻ.
Qua đó có thể thấy, chất lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế, giá trị của sản phẩm, hàng hoá và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Theo ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, nội hàm cũng như giá trị cốt lõi của một thương hiệu phải là chất lượng sản phẩm. Tiếp đến là sáng tạo không ngừng nghỉ, thổi hồn vào thương hiệu bằng sự đổi mới và bắt kịp xu hướng thị trường. Đã đến lúc doanh nghiệp cần có sự thay đổi về cách tiếp cận truyền thống và công chúng hóa thương hiệu của sản phẩm.
Có thể thấy trong điều kiện ngày nay, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng để tạo dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để xây dựng được một thương hiệu đã khó, để xây dựng được một thương hiệu nổi tiếng lại càng khó hơn rất nhiều, nhất là đối với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Chia sẻ quan điểm về việc xây dựng thương hiệu, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, trong xây dựng thương hiệu thì doanh nghiệp cần lưu ý là thương hiệu không đơn giản chỉ ở một cái tên, mà trong đó nó phải hàm chứa chất xám về chất lượng, mẫu mã, công dụng… của sản phẩm. Nếu không coi chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết quan trọng nhất, là nền tảng thì rất khó để xây dựng được thương hiệu và nếu xây dựng được thì cũng sẽ đánh mất trong một sớm một chiều.