dsc_0371-enternews-1608541839

Anh Trần Văn Tín đang bảo trì hệ thống máy đúc phôi chai nhựa

Ấp ủ từ khi còn là du học sinh tại New Zealand, Trần Văn Tín đã hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp bằng công việc tái chế nhựa ngay tại quê hương mình – Cam Lộ (Quảng Trị).

Người am hiểu về nhựa

Tín có thể nói cả ngày về nhựa vẫn không hết chuyện, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi trong một lần trá lá với anh thanh niên này. Dĩ nhiên, đụng đến lĩnh vực nhựa là cả một môn khoa học về hóa học, vật lý, công thức rắc rối mà chỉ những người chuyên nghiên cứu mới hiểu hết.

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế từ một trường đại học ở nước ngoài, khăn gói về quê công tác trong lĩnh vực viên thông, ngành nghề mà nhiều bạn trẻ ao ước. Nhưng sự sắc sảo sẵn có và giá trị của mấy năm tích lũy kiến thức ở xứ người giúp Tín nhận ra tương lai không mấy xán lạn của ngành này.

Năm 2017, quyết định nghỉ việc, mở xưởng tái chế nhựa trên mặt bằng sẵn có của bố mẹ. Cũng như nhiều startup khác, vạn sự khởi đầu nan, chướng ngại đầu tiên mà Tín gặp phải là lựa chọn máy móc, công nghệ sao cho hợp đồng vốn ít ỏi, làm ra sản phẩm rồi bán như thế nào, bán cho ai để có lãi duy trì hoạt động.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của anh là lần đầu tiên bị trả lại 2 container hàng vì không đảm bảo tiêu chuẩn. Đó thật sự là cú ngã dễ khiến những người khởi nghiệp nản lòng.

Thật sự ngạc nhiên bởi bề ngoài rất thư sinh, vậy mà cả khối máy móc ngồn ngộn trong nhà xưởng đều một tay anh sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng. Nhờ tiết kiệm tối đa chi phí cho nguồn nhân lực đã giúp Tín vượt qua 3 năm đầu tiên đầy khó khăn.

Xưởng tái chế nhựa thải lúc cao điểm có 8 công nhân làm việc, máy chạy 24/24. Tôi nói vui rằng, Tín vừa là CEO, kiêm kỹ thuật, quản đốc, và cả nhân viên bán hàng của cơ sở này.

Sản phẩm chủ yếu là sản xuất phôi chai nhựa, mỗi ngày xuất xưởng nhiều nhất khoảng 80.000 chiếc, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia. Bên cạnh đó cơ sở này còn cung cấp nguyên liệu kéo sợi phục vụ cho ngành may mặc.

dsc_0362-enternews-1608541996

Phôi chai nhựa – “nguyên liệu” để thổi ra những sản phẩm nhựa đủ kích cỡ

Tôi thấy từ Tín là người kinh doanh chuyên nghiệp, tôn trọng luật chơi của chuỗi cung ứng. Anh nói: “cơ sở mình hoàn toàn có thể sản xuất thành phẩm cuối cùng là các sản phẩm chai, bình nhựa đủ kích cỡ với giá thành rẻ nhất nhờ bí quyết công nghệ, hóa học. Nhưng mình không thể lấy hết “phần cơm” của anh em đồng nghiệp ở trong và ngoài tỉnh”.

Tham quan một vòng quanh nhà xưởng, máy móc mới thấy công cuộc xử lý rác và biến rác thành kinh tế không hề đơn giản, nói cách khác đó là một lĩnh vực công nghệ rất kén chọn người khởi nghiệp, đòi hỏi sự am hiểu tường tận và niềm đam mê đủ lớn.

“Nhựa không có lỗi”

Nhiều năm nay, rác thải nhựa từ bao bì, chai lọ, túi đựng đồ ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu được cảnh báo liên tục giống như một thảm họa tiềm ẩn đe dọa môi trường sống. Tuy nhiên, Tín quan điểm hoàn toàn mới mẻ.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế nhựa hàng đầu thế giới, có thể sánh ngang với Na Uy và các quốc gia “xanh” ở Bắc Âu. Sản phẩm từ nhựa rất tiện lợi, giá thành rẻ, có thể tái chế, tại sao lại kỳ thị nó, nhựa không có lỗi”, Tín phân tích.

Trung bình mỗi ngày 1 người Việt thải ra 1,2kg rác. Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.

Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam) và Ngân hàng Thế giới đã điều tra trên 109 quốc gia và chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng xếp hạng về rác thải nhựa.

rac-thai-nhua-enternews-1608542209

Việt Nam là một trong những quốc gia tái chế nhựa tốt nhất thế giới

Nếu chỉ biết đổ bỏ thì nhựa sẽ là mối họa thực sự với môi trường sống. Tuy nhiên nếu ứng xử với rác thải nhựa như cách của Tín thì loại rác này sẽ tạo ra một ngành công nghiệp có giá trị không hề nhỏ.

Đúng vậy, bản thân nhựa hay bất cứ loại rác thải nào đều không có tội tình gì, tội là ở thái độ hành xử không đúng của con người mà ra.