25 năm gắn chặt với đồng ruộng, với phòng nghiên cứu, ông cười xoà khi bảo rằng: giai đoạn đầu của nghiên cứu cụm từ “làm chơi” là thật.
Gạo ST25 đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới, nhưng để trở thành một thương hiệu gạo Việt Nam mạnh trên thị trường thế giới vẫn còn không ít việc để làm.
Xuất phá từ khát vọng “người Việt dùng hàng Việt”
Cách nay 27 năm, kỹ sư Hồ Quang Cua tham gia nhóm nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL và Trường ĐH Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan. Cũng trong thời gian này, người kỹ sư của đất Sóc Trăng có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng.
Nói về sự ra đời của các giống gạo ngon, ông Cua cho biết đó cũng là một con đường nhọc nhằn. “Nghiên cứu giống như học tập, khi làm phải đi từng bước. Lúc đầu nhận thức, kỹ năng của mình chưa cao nhưng dần dần với quá trình rất dài thì sẽ tốt lên. Thật ra mọi thứ được làm, được định hướng trên 1/4 thế kỷ trước rồi. Chúng tôi khởi động từ năm 1991 nhưng hồi đó làm không kiểu hàn lâm, chỉ là nhà khoa học nông dân thôi. Trong Nam có khái niệm là “làm chơi” thôi, nhưng từ từ nó thành thiệt, cũng như trình độ mình cũng được từng bước nâng cấp.
Giai đoạn đầu chủ yếu chúng tôi tìm hiểu về yếu tố lịch sử vùng đất. Khi xưa Nam Kỳ đã nổi tiếng với gạo ngon, xuất khẩu đi Âu châu từ những năm 1914. Nhưng do chiến tranh, đến thời kỳ bao cấp phải tăng sản lượng khiến những chủng loại gạo đó dần bị mai một. Rồi sau này khi thử trồng lại một số giống lúa thơm thì nó cho phẩm chất tốt, năng suất cao. Những điều này cho thấy tiền đề để Việt Nam tạo ra gạo ngon là có. Chúng tôi nhen nhóm ý tưởng từ đó. Đến năm 1997, khi nghe tin Thái Lan tạo được 2 giống lúa thơm mà họ gọi là hạt vàng, tôi đặt vấn đề là tại sao họ làm được mà mình thì không. Thế là bắt tay làm”, ông Cua nói.
Ông chia sẻ: “Anh em bắt đầu học tập, nâng cao trình độ, tìm vật liệu di truyền… từ năm 2002 bắt đầu lai tạo lúa. Trong vòng 6 năm thì chúng tôi có những thành quả đầu tiên. Đến năm 2014 thì nhóm bắt đầu đưa ra được những giống nổi tiếng ở thời điểm hiện tại. Sau năm đó thì đến giai đoạn khảo nghiệm quốc gia, cũng mất thời gian dài. Đến năm 2017 chúng tôi mang gạo đi thi quốc tế ở Ma Cao thì lần đầu tiên lọt vào top 3. Năm 2018 khi thi ở Hà Nội tiếp tục nằm trong top này. Đến năm 2019 thì đạt hạng nhất”.
Đây là quá trình dài vừa học vừa làm, vừa cải tiến vừa nâng cao năng suất, chất lượng toàn diện của một cây lúa, để nó trở thành một hạt gạo ngon trên bàn cơm. Nó cần sự kiên trì, chuyên tâm học hỏi. Và một điều nữa, thật ra cũng giống như thống kê vậy, phải có yếu tố may mắn chứ không phải cứ làm là được.
Gạo Việt Nam gần đây 3 lần lọt vào top 3 rồi, vào các năm 2017, 2018, đặc biệt năm 2019 thì đạt giải nhất. Ông Cua mong rằng, gạo Việt vang danh thế giới thì người Việt sẽ quay trở về với khuynh hướng dùng hàng nội. “Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới rồi thì tại sao chúng ta phải đi tìm gạo nước khác mà ăn, tại sao không chọn gạo Việt. Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Bởi vậy anh em tôi mệt cỡ nào cũng phải cố gắng.”, ông nói.
Chuyện không còn của ST
KS Hồ Quang Cua luôn tâm niệm, thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng, mà muốn có được cần phải kiên trì hoạt động không mệt mỏi. Sự kiên trì đó, được ông và các đồng sự thể hiện không chỉ bằng hàng chục giống lúa thơm mang tên ST có năng suất, chất lượng, giá trị cao; mà còn ở công tác thông tin tuyên truyền về yếu tố xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm xây dựng thương hiệu, tạo tiếng thơm cho địa phương.
Nói về lý do dành nhiều thời gian nghiên cứu và cho ra đời nhiều giống gạo ngon, ông Cua lý giải: “Bởi vì ai cũng thích được ăn ngon hết, rồi sau đó mới tính đến chuyện sạch và an toàn, tức là lành. Đó cũng là lý do mà ngay từ buổi đầu nghiên cứu giống lúa thơm ST, tôi đã đề ra mục tiêu “thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon” làm định hướng xuyên suốt cho quá trình nghiên cứu. Sau này, khi đã có những giống lúa thơm ST “thơm ra thơm, ngon ra ngon” rồi mình chuyển sang sản xuất theo quy trình sạch hay hữu cơ thì không có gì khó cả”.
Trở lại với câu chuyện gạo ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới mới đây để thấy rằng, thành công của gạo ST25 tại đấu trường quốc tế lần này không chỉ là thành quả của sự đam mê, khát vọng đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa, mà còn ở chính định hướng đúng đắn ngay từ những ngày đầu nghiên cứu của KS Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự. Và theo ông, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi là nâng cao giá trị và xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam. Do đó, chuyện của hạt gạo ST bây giờ không còn là của riêng nhóm nghiên cứu, thậm chí là của tỉnh Sóc Trăng nữa, mà là câu chuyện của cả ngành lúa gạo Việt Nam, nếu muốn hạt gạo ST nói riêng đi xa hơn và tạo lập được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam sớm hơn. Đây là công việc khó nhưng cấp bách cần phải làm. Bởi nếu không, người tiêu dùng trong nước và thế giới sẽ dần quên lãng, giá trị giải thưởng quốc tế sẽ chỉ còn là ký ức của riêng những người làm ra nó.
Khánh Hà